Lưu ý khi dùng thuốc chữa động kinh
Các Website khác - 01/05/2005

Bác sĩ chỉ cho thuốc khi kết quả khám lâm sàng và điện não đồ khẳng định chắc chắn là động kinh. Không được dùng thuốc khi dấu hiệu lâm sàng không rõ hoặc chỉ căn cứ vào điện não đồ. Phải kiêng rượu và thực phẩm có rượu khi đang điều trị.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào loại cơn động kinh và độ nặng để chọn thuốc, liều lượng. Người bệnh không được tự ý thay đổi nó.

Việc điều trị thường bắt đầu với liệu trình một thuốc. Nếu đã tăng đến liều cao hoặc đổi thuốc khác mà vẫn không hiệu quả thì chuyển sang liệu trình nhiều thuốc (thường dùng hai thuốc).

Lúc đầu dùng với liều thấp, tăng dần cho đến liều cắt được cơn, duy trì liều này hằng ngày. Liều mỗi ngày được chia 2-3 lần theo các khoảng cách đều nhau (nhằm giúp bệnh nhân đỡ mệt và tránh tác dụng ngoại ý do dùng liều cao một lần). Phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày vì người bệnh đã quen với sự ức chế của thuốc, nếu ngừng đột ngột sẽ lên cơn nặng hơn...

Khi cần thay thuốc, phải giảm từ từ thuốc cũ và thay dần bằng thuốc mới cho đến khi đạt được yêu cầu. Liệu trình điều trị thường kéo dài 2,5-5 năm kể từ khi cắt cơn. Khi thầy thuốc xác định bệnh đã ổn định và cho ngừng thuốc thì cũng phải ngừng từ từ theo hướng dẫn. Để tiện lợi, người ta đã chế ra loại thuốc cho tác dụng kéo dài (như viên Tegretol LP, Tegretol XR). Khi chuyển sang sử dụng loại này, phải tính liều lại để tránh dùng sai liều.

Cần theo dõi độc tính của thuốc vì hầu hết thuốc chữa động kinh đều độc. Không nên hoặc phải rất thận trọng khi dùng thuốc động kinh với người bị bệnh gan, thận, tim, đái tháo đường. Không dùng carbamazepine cho người có tiền sử suy giảm tủy xương, Phenobarbital cho người suy hô hấp trầm trọng, Phenytoine và phenobarbital cho người có rối loạn chuyển hóa porphyrin. Tất cả các thuốc trên đều có hại cho thai, cho trẻ bú mẹ ở những mức độ khác nhau. Nếu phụ nữ bị động kinh muốn có thai thì phải thay đổi liệu trình điều trị. Một số thuốc động kinh (như carbamazepin) có tác dụng làm tăng hay giảm huyết áp, gây ảnh hưởng bất lợi cho người bệnh.

Tất cả các thuốc động kinh đều có cơ chế chung là làm giảm bớt quá trình kích thích, vì vậy hầu hết đều có tác dụng phụ gây buồn ngủ, chóng mặt, giảm vận động, một số thuốc gây mất tập trung (tiagabin) làm suy giảm trí nhớ, lú lẫn (phenobarbital, topi-ramat), rối loạn ngôn ngữ (topiramat). Người động kinh không được điều khiển các loại máy móc (như lái xe); ngay cả khi thuốc cắt được cơn rồi cũng không được làm những công việc này vì họ có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc.

Không dùng rượu, các thực phẩm có rượu khi dùng thuốc chữa động kinh.

Bệnh nhân phải có chế độ sinh hoạt điều độ, ngủ, thức đúng giờ nhằm luyện tập cho não thói quen tốt. Điều này cũng quan trọng như dùng thuốc.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)