MIT chế tạo loại vắc-xin có thể chống lại gần như bất kỳ mầm bệnh nào
MIT - 07/07/2016
Trong quá trình thử nghiệm trên cơ thể chuột, vắc-xin mới đạt hiệu quả 100% trong việc chống lại một số loại bệnh như cúm H1N1, ebola và một loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.

Ứng dụng phương pháp nano, nhóm chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusetts ( MIT - Mỹ) đã tạo ra vắc-xin chỉ trong vòng 7 ngày, theo phó giáo sư Daniel Anderson, tác giả chính của nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa với việc vắc-xin mới có thể được triển khai một nhanh chóng để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, đồng thời cũng có thể được điều chỉnh trong các trường hợp cần thiết.

Ở các loại vắc-xin phổ biến hiện nay, chúng thường có chứa dạng bất hoạt của một mầm bệnh hoặc một loại virus nào đó, và thời gian sản xuất cũng lâu hơn. Đối với một số loại bệnh, thời gian này càng kéo dài, tình hình dịch bệnh càng trở nên phức tạp. Một số vắc-xin khác cũng được tạo thành từ các protein sinh ra bởi vi khuẩn, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng thường không tạo ra một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học tìm kiếm một tá dược hoặc một chất hóa học khác giúp tăng cường tính hiệu quả của nó.
 

dan-anderson-tinhte.jpg
Phó giáo sư Daniel Anderson - người đứng đầu nhóm nghiên cứu.


Trước những vấn đề trên, vắc-xin của MIT ra đời và sở hữu một vài ưu thế. Theo đó, vắc-xin mới này có chứa các sợi vật liệu di truyền gọi là ARN thông tin, có thể được thiết kế để mã hóa cho bất kỳ vi khuẩn, virus hoặc protein của ký sinh trùng nào, bằng cách tùy biến các chuỗi ARN. Các phân tử này sau đó được ‘đóng gói’ vào một phân tử có thể đưa ARN vào các tế bào, nơi nó được chuyển đổi thành các protein kích hoạt phản ứng miễn dịch ở vật chủ. Các nhà khoa học cho rằng loại vắc-xin RNA này thật sự là giải pháp lý tưởng vì nó có thể kích hoạt tế bào trên cơ thể vật chủ, nhằm tạo ra nhiều bản sao của các protein mà chúng mã hóa. Việc này kích thích phản ứng miễn dịch tốt hơn so với các phương pháp hiện có. 

Ngoài nhắm đến mục tiêu tạo ra một loại vắc-xin dành cho các bệnh truyền nhiễm, các nhà nghiên cứu tại Viện MIT cũng đang sử dụng phương pháp tương tự để điều chế vắc-xin ung thư, một loại vắc-xin có thể rèn cho hệ thống miễn dịch cách nhận biết và tiêu diệt các khối u. Hiện các thành công chỉ mới thu được trên động vật và chắc chắn tham vọng của các nhà khoa học là hướng đến việc tiêm nó vào cơ thể người, trong một tương lai không xa.
 

Tham khảo: MIT, Ảnh minh họa: Your News Wire