Sau ca phẫu thuật của GS-TS Lâm Ngọc Ấn, bệnh nhân Nguyễn Thành An (Vũng Tàu) bị đầu móp, xương quai hàm bị bể 24 năm đã mở được miệng.
Ca phẫu thuật cho Nguyễn Thành An |
Cách đây 24 năm, cậu bé Nguyễn Thành An - lúc ấy mới được 4 tuổi - bị xe đạp đụng ngã, rồi một chiếc xe lam trờ đến kéo cậu đi hơn 3m trên đường phố TP Vũng Tàu. Sau nửa năm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Thành An xuất viện với cái đầu móp, xương quai hàm bị bể. 24 năm qua, Nguyễn Thành An không thể há miệng nói hay ăn uống như bao người bình thường khác...
"Phép lạ" đã đến với Nguyễn Thành An vào sáng 11/1/2005 tại Bệnh viện Triều An, TP Hồ Chí Minh. Người đầu tiên biết đến trường hợp của An và quyết định đưa anh vào Bệnh viện Triều An phẫu thuật là Giáo sư tiến sĩ Lâm Ngọc Ấn, nguyên Viện trưởng Viện Răng-Hàm-Mặt, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình thẩm mỹ của Viện Răng-Hàm-Mặt và của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt Bệnh viện Triều An. Giáo sư Ấn kể: "Tôi biết Nguyễn Thành An do cậu ấy làm việc chung với một người quen của gia đình. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi biết cậu ấy là người có ý chí, tuy bị tật nguyền nhưng rất ham học... Thế là tôi quyết định "mở miệng" cho An". Giáo sư Ấn cho biết thêm: Trường hợp của An được chẩn đoán là “dính khớp thái dương hàm hai bên”, do sang chấn (đụng dập) mạnh. Cách đây không lâu đã có một ca tương tự, nhưng bệnh nhân này được phẫu thuật chỉ sau thời gian ngắn bị va dập, còn Nguyễn Thành An thì đã hơn 24 năm...
Đúng 9 giờ sáng ngày 11/1/2005, kíp mổ cho Nguyễn Thành An bắt đầu làm việc. Mổ chính là Giáo sư - tiến sĩ Lâm Ngọc Ấn, phụ mổ cho ông là bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Thanh Vân. Ngoài ra còn có bác sĩ Nguyễn Trường Phùng và nhiều y, bác sĩ giỏi của Bệnh viện Triều An. Sau khi xem xét lần cuối các phim chụp bệnh nhân, giáo sư Ấn quyết định phẫu thuật hàm bên phải trước. Sau hơn 2 giờ đồng hồ làm việc, những vết khâu cuối cùng của hàm bên trái đã hoàn tất. Lúc này miệng của Nguyễn Thành An đã mở ra rất lớn trước sự mừng vui của kíp mổ.
Nguyễn Thành Khương, anh trai của An cho biết gia đình anh rất mừng trước thành công ban đầu của ca mổ. Anh kể: "Sau khi bị tai nạn suýt tước đi mạng sống, cảm nhận những thiệt thòi do dị tật của mình nên em trai tôi đã chú tâm vào chuyện học và học rất giỏi. An thi đỗ vào cả 3 trường đại học: Kinh tế, Bách khoa và Khoa học tự nhiên. An rất có tinh thần tự lập, để tìm chi phí cho việc học, đã đi phụ quán ăn, bán báo...". Về chuyện ăn uống của Nguyễn Thành An trong suốt 24 năm qua, anh Khương cho biết: Lúc An còn nhỏ, gia đình cho cháo vào máy nghiền sinh tố xay nhuyễn, sau đó bơm thẳng vào họng. Lớn lên thì gia đình phải nhổ đi 2 cái răng cửa để đưa thức ăn vào. An chỉ đưa cơm và thức ăn mềm vào miệng rồi nuốt chứ không thể nhai được...
Nguyễn Thành An hiện là kỹ sư tin học, đang làm việc tại một công ty ở quận Bình Thạnh. Qua Giáo sư Lâm Ngọc Ấn, chúng tôi được biết tuy Bệnh viện Triều An và các giáo sư, bác sĩ đã miễn cho anh rất nhiều khoản chi phí nhưng Nguyễn Thành An vẫn rất cần sự quan tâm, san sẻ của bạn đọc để nhanh chóng bình phục, để có thể ăn uống, nói chuyện bình thường và nhất là có thể nở nụ cười với mọi người xung quanh...
Tấn Tú (Thanh Niên)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Bệnh nhân tiểu đường dễ bị ung thư (13/01/2005)
▪ Phòng chống sốt xuất huyết (13/01/2005)
▪ Thêm 2 trường hợp nghi nhiễm vi-rút H5N1 (13/01/2005)
▪ Sán lá gan nhỏ - bệnh của những người thích gỏi cá (13/01/2005)
▪ Dược thảo điều trị chấn thương (13/01/2005)
▪ Bệnh ấu trùng di chuyển (12/01/2005)
▪ Chế độ ăn cho người có nhóm máu AB (12/01/2005)