Trái với suy nghĩ của nhiều người, thai phụ vẫn có thể ra máu kinh vào thời gian đầu thai nghén. Ra máu rải rác hay ít có thể là dấu hiệu đầu tiên về tình trạng có thai. Hiện tượng này do trứng làm tổ ở nội mạc tử cung gây ra.
Trong 3 tháng đầu
Thời gian này, những cơ quan chính của thai như tim, phổi, não được hình thành. Khoảng 2 tuần sau khi trứng đã làm tổ trong lớp nội mạc của tử cung, cơ thể bắt đầu thay đổi. Một số thay đổi sớm do hormone của thai và của chính cơ thể người mẹ gây ra.
Vú to ra và quầng vú sẫm màu: Thường là gợi ý đầu tiên về sự có thai. Lúc này vú nhạy cảm hơn, dễ đau khi đụng chạm. Hai tuần sau khi thụ tinh, vú và núm vú bắt đầu to ra, quầng vú cũng sẫm màu hơn.
Mỏi mệt: Hầu hết phụ nữ mới có thai đều mỏi mệt. Trong mấy tuần đầu, cơ thể tạo nhiều máu hơn để đem chất dinh dưỡng đến thai. Vì thế tim phải làm việc nhiều hơn để thích ứng với sự tăng cung lượng máu. Cơ thể cũng thay đổi cách sử dụng nước, tinh bột - đường (carbohydrate) và mỡ. Toàn bộ những biến đổi trên có thể góp phần gây cảm giác mệt mỏi.
Nôn về sáng: Buồn nôn hay nôn xảy ra với nhiều phụ nữ trong 12-14 tuần đầu tiên. Triệu chứng có xu hướng nặng lên về buổi sáng, nhưng một số phụ nữ cảm thấy buồn nôn suốt ngày, nhất là khi chưa ăn gì, dạ dày còn rỗng. Ít có trường hợp thai phụ sút cân nhiều hay mất nước. Nguyên nhân nôn về sáng còn chưa rõ, có thể do những biến đổi về hoóc môn hay dạ dày - ruột. Nôn có thể nặng lên do stress cảm xúc và mỏi mệt đi kèm với thai nghén.
Tiểu nhiều: Thể tích tử cung tăng lên cùng với tăng chức năng thận, gây tiểu nhiều. Cũng có khi thai phụ bị són tiểu khi hắt hơi, ho hay cười to. Nguyên nhân là tử cung to lên đè ép vào bàng quang.
Tăng cân: Mặc dù thai phụ có thể tăng 10-12 kg trong suốt thai kỳ nhưng trong quý 1, cân nặng chỉ tăng khoảng 1 kg.
Tử cung: Trong vòng 2 tuần kể từ khi thụ thai, tử cung bắt đầu thay đổi, nội mạc tử cung dày lên, các mạch máu trong lớp nội mạc to ra để nuôi dưỡng thai đang phát triển. Nếu có thai lần đầu thì thể tích tử cung to bằng quả lê nhỏ.
Cổ tử cung: Bắt đầu mềm. Đây là một dấu hiệu để chẩn đoán có thai.
3 tháng giữa
Trong 3 tháng giữa, thai tăng chiều dài từ 10 cm đến gần 30 cm. Tử cung to ra, bắt đầu làm thay đổi vị trí các cơ quan khác trong ổ bụng. Thai chứng tỏ sự hiện diện bằng dấu hiệu cử động (còn gọi là thai máy), vào khoảng 6 tháng thì có cảm giác thai đạp rõ rệt. Nhiều phụ nữ cho biết cảm thấy dễ chịu nhất ở mấy tháng này, hết bị nôn về sáng, nhu cầu ăn uống tăng lên.
Vú: Do ảnh hưởng của oestrogen và progesterone, vú to lên khi các tuyến tiết sữa bên trong tăng kích thước. Riêng vú tăng trọng khoảng 1/2 kg trên tổng số cân nặng trong suốt thai kỳ. Một nguyên nhân góp phần làm vú to là sự tăng mô mỡ. Các hạt nhỏ quanh quầng vú là những tuyến dưới da cũng bắt đầu to lên, tiết ra chất nhờn làm mềm da và quầng vú.
Tử cung: Khi tử cung giãn to để thích ứng với thai đang phát triển thì bụng cũng to lên từng tuần. Tới tuần thứ 12, tử cung mới chỉ vừa vặn trong tiểu khung, nhưng đến gần tuần lễ 20 thì đã ở ngang rốn. Tử cung có thể giãn to tới phần đáy của khung xương sườn.
Da: Da đỏ lên vì tuần hoàn máu tăng ở các mạch máu nhỏ ngay dưới da.
Lòng bàn tay và gan bàn chân: Dễ bị đỏ và ngứa, có lẽ do tăng oestrogen, sau sinh sẽ hết giống như những thay đổi ở da.
Móng tay, móng chân: Mọc nhanh hơn bình thường, có thể giòn hay mềm và quăn, một phần do ảnh hưởng của hoóc môn thai kỳ và đôi khi do thiếu máu.
Mắt: Vì cơ thể giữ nước nên giác mạc dày hơn, sự biến đổi này rõ rệt từ tuần thứ 10 và tồn tại đến khoảng 6 tuần sau sinh, áp lực nước trong nhãn cầu giảm khi có thai. Hai hiện tượng nói trên làm cho mắt nhìn hơi mờ đi. Nếu phụ nữ mang kính áp tròng, nhất là loại cứng có thể sẽ gây cảm giác khó chịu. Không cần thay đổi kính áp tròng khi có thai vì thị lực sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
Miệng: Thai nghén không gây sâu răng, tuy nhiên vì tuần hoàn máu tăng nên làm cho lợi mềm. Đa số phụ nữ gặp sự cố này nên có thể bị chảy một ít máu khi đánh răng. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, cần đến gặp bác sĩ.
(Theo Sức Khỏe và Đời Sống)
▪ Nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp (04/05/2005)
▪ Ngủ ít hoặc nhiều đều dễ béo phì (03/05/2005)
▪ Sống độc thân có hại cho sức khỏe (02/05/2005)
▪ 2 phương pháp mới chữa viêm và thoái hóa khớp (29/04/2005)
▪ Thịt bò khô có chứa formaldehyde (29/04/2005)
▪ Tìm ra chất mới chống SARS (29/04/2005)
▪ Chữa tiêu chảy bằng thảo dược (30/04/2005)
▪ Khi bé bị cảm lạnh (30/04/2005)
▪ Thuốc lá - kẻ thù của mạch máu (30/04/2005)
▪ Lưu ý khi dùng thuốc chữa động kinh (01/05/2005)