Trong gần một tuần qua, các bệnh viện ở Hà Nội luôn quá tải bởi số trẻ em ốm, hậu quả của thời tiết nóng. Ngay trong dịp nghỉ lễ, khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi trung ương vẫn tiếp nhận 500-600 trẻ mỗi ngày, chủ yếu mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp.
![]() |
Gần 4h chiều nhưng BV Nhi TƯ vẫn đông nghẹt người làm thủ tục khám và xét nghiệm. |
Trong dịp lễ 30/4-1/5, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn có hơn 900 trẻ điều trị nội trú (trên tổng số 530 giường). Tại các phòng khám, bệnh nhân xếp hàng đông nghịt, mỗi bác sĩ phải khám tới 40-50 cháu/ngày, có khi làm việc cả buổi trưa với hy vọng giảm bớt số người chờ đợi của buổi chiều.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, nếu tính tổng số bệnh nhân thì không tăng vì số trẻ đến đây khám đã đạt đến cực đại từ khi có chính sách khám miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, tính tỷ lệ các nhóm bệnh thì thấy các ca bệnh do thời tiết tăng vọt. Phần lớn số trẻ đến khám trong những ngày này bị viêm họng, phế quản, phổi, tiêu chảy, cảm sốt... Số trẻ ốm tăng một phần vì những ngày nắng nóng vừa qua cũng là ngày nghỉ, các bậc phụ huynh hay đưa con đi chơi.
Các bệnh viện khác ở Hà Nội cũng đều phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhi ốm do thời tiết. Từ 30/4, mỗi ngày ở Bệnh viện Xanh Pôn có khoảng 350-400 trẻ đến khám. Còn tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, các phòng bệnh quá tải đến hơn 130%.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc khuyến cáo, thời tiết mùa hè cực kỳ nguy hiểm cho trẻ nhỏ, trong đó 3 loại bệnh hay gặp nhất là viêm đường hô hấp, tiêu chảy và viêm da. Các bậc cha mẹ thường tự tin về kiến thức chăm sóc con cái của mình, nhưng lại không để ý đến những việc nho nhỏ và cái sự "sai một ly" này dễ gây "đi một dặm". Chẳng hạn, dù biết rằng sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất có hại cho trẻ nhưng nhiều ông bố bà mẹ lại quên điều này khi đưa trẻ từ trong nhà có máy điều hòa nhiệt độ ra ngoài trời nóng. Chỉ cần nhiệt độ bên trong và bên ngoài chênh nhau quá 4 độ là trẻ đã có thể ốm. Bác sĩ Lộc khuyên nên dành khoảng 30-60 phút để cơ thể trẻ thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ, bằng cách tăng nhiệt trong phòng lên, hoặc đưa con ra một chỗ thoáng đãng, ấm hơn một chút trước khi đưa ra ngoài.
Về ăn uống, ai cũng biết rằng cần ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh. Đáng ngại nhất là những gia đình cho trẻ bú bình. Ông Lộc nói: "Để rửa bình, núm vú cao su thật sạch đòi hỏi nhiều thời gian và thao tác tỉ mỉ, ít người đủ kiên nhẫn thực hiện. Nếu xóc rửa theo cách thông thường thì một lát sau, khi lấy ra cọ lại ta sẽ thấy vẫn còn cặn sữa. Vì vậy nếu cho trẻ ăn sữa ngoài thì tốt nhất là dùng thìa". Với thức ăn khác, nếu cần dự trữ thì phải cho ngay vào tủ lạnh, khi ăn thì đun lại. Vào mùa nóng, thức ăn chỉ để 2 giờ sau khi nấu là đã lên men, và chỉ cần như vậy đã có thể gây tiêu chảy chứ không cần phải nhiễm khuẩn.
Chứng viêm da, lở loét rất hay xảy ra trong mùa hè, nhưng thường không được chú ý vì cho là không quan trọng. "Da trẻ rất mỏng, dễ tổn thương. Vào mùa hè, mạch máu và lỗ chân lông giãn ra nên da càng dễ viêm nhiễm. Cái sảy nảy cái ung, nhiều khi chỉ các nốt mẩn ngứa thông thường nếu không được chăm sóc sẽ gây nhiễm trùng huyết và tử vong", bác sĩ Lộc nói.
Bác sĩ Lộc lưu ý, trong mùa nóng, cha mẹ cần lưu tâm đến triệu chứng sốt ở trẻ, vì nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh như cảm nắng, nhiễm trùng, viêm não. Tuy chưa đến mùa viêm não nhưng gần đây rải rác đã có một số cháu nhập viện với biểu hiện của bệnh này. Các chuyên gia dự báo, mùa hè năm nay cực kỳ nắng nóng nên nguy cơ bùng phát dịch viêm não khá cao. Virus viêm não có nhiều loại và có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc qua muỗi. Việc tiêm văcxin phòng bệnh nên được thực hiện khoảng 3 tháng trước khi mùa dịch bắt đầu.
Thanh Nhàn
▪ 6 lời khuyên để ngăn ngừa chứng cao huyết áp (04/05/2005)
▪ Nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp (04/05/2005)
▪ Các biến đổi trong 2 quý đầu của thai kỳ (04/05/2005)
▪ Paracetamol có thể gây suy phổi (04/05/2005)
▪ Cây đại hoàng trị SARS (04/05/2005)
▪ Các biện pháp chữa hói (04/05/2005)
▪ Ngủ ít hoặc nhiều đều dễ béo phì (03/05/2005)
▪ Sống độc thân có hại cho sức khỏe (02/05/2005)
▪ 2 phương pháp mới chữa viêm và thoái hóa khớp (29/04/2005)
▪ Thịt bò khô có chứa formaldehyde (29/04/2005)