Mốt đẻ nhiều con của nhà giàu
Các Website khác - 04/12/2004
Ở các bệnh viện, sản phụ luôn phải nằm ghép giường.
Ảnh: Anh Tuấn.

Chị Thái Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) ở cữ lần này là lần thứ 5. Dù đã đủ cả nếp lẫn tẻ nhưng chồng chị muốn sinh thêm một hoàng tử nữa để cậu con trai có bạn... đá bóng. Nhà khá giả nên anh chị sợ rằng nếu là con trai một, cậu quý tử sẽ hư vì quá được nuông chiều.

"Khi cưới, ông xã bảo sẽ sinh đủ 7 đứa con, đặt tên từ Thứ Hai đến Chủ Nhật, tôi nghĩ là đùa nên cũng hùa theo. Không ngờ anh thích có nhiều con thật", chị Oanh tâm sự, "Anh ấy bảo nhà mình có điều kiện, đẻ nhiều cho nó vui cửa vui nhà, người phương Tây tân tiến thế mà cũng nhiều con. Mình đẻ xong thuê người chăm, em có vất vả đâu mà sợ".

Thế là trong 7 năm, chị Oanh "làm" liền 4 đứa; đến đứa thứ 5 này thì chồng chị đồng ý là lần cuối cùng. Trong ngôi nhà lớn có gần chục phòng ngủ, chị như một tướng quân điều khiển bầy con và 3 người giúp việc (một chăm sóc đứa bé sơ sinh, một trông 2 đứa áp út, một quản lý 2 con lớn kiêm làm việc nhà). Gần như không trực tiếp đụng tay đến việc gì, chỉ bao quát công việc và nhắc nhở "ôsin" mà tối nào chị cũng thấy mệt nhừ khi được đặt lưng xuống giường. Bữa cơm tối luôn kéo dài cả tiếng rưỡi đồng hồ. Ăn xong, ông bố - một doanh nhân trẻ thành đạt - "trốn" trong phòng làm việc, ra nghiêm lệnh không đứa bé nào được làm phiền. Và "người mẹ anh hùng" xua bọn trẻ sang một căn phòng lớn. Chúng bày bừa đồ chơi, trêu chọc, tranh giành nhau, la hét, khóc lóc, cười đùa... Đến gần 10h đêm cảnh inh tai nhức óc này mới kết thúc.

Còn chị Thu Lan ở Cầu Giấy lại cố sinh thêm để kiếm "thằng cu", dù cả 3 đứa con gái đều xinh xắn khỏe mạnh, gia đình chồng cũng không gò ép gì. "Tôi về làm dâu nhà anh, mọi người vẫn coi là chuột sa chĩnh gạo vì tôi vốn con nhà nghèo, nhan sắc bình thường, lại chẳng giỏi giang. Phải có đứa con trai thì mới coi là hoàn thành nhiệm vụ và có uy với nhà chồng". Với sứ mệnh cao cả tự mình đặt ra đó, suốt 5 năm nay gần như chị Lan chỉ có mỗi việc đóng cửa để... đẻ và nuôi.

Sinh nhiều con dường như đang là "mốt" của một số gia đình giàu có. Bác sĩ Đào Thị Hợp thuộc khoa Sản Bệnh viện Việt Pháp (nơi có dịch vụ sinh con "sang" nhất Hà Nội) cho biết, trong 2 năm gần đây, số sản phụ sinh con thứ 3 trở lên tăng nhiều so với trước. Bà Hợp đã gặp trường hợp sinh đến lần thứ 5. Những người đến đây phần lớn đều thuộc giới "tiền không là vấn đề", chỉ muốn hưởng thụ tối đa những lợi thế mà đồng tiền có thể mang lại.

Trong khi phần lớn người dân thành thị không dám sinh nhiều vì không đủ thời gian và tiền bạc để chăm sóc trẻ thì nhiều nhà giàu lại thấy rằng có nhiều con cái là một trong những ưu đãi mà họ nên tận hưởng. "Người ta muốn đẻ không được, mình có điều kiện tội gì không. Phải có người hưởng thụ thành quả lao động của mình thì mới không lãng phí" - đó là quan niệm của nhiều người trong số họ. Làm việc trong các công ty nước ngoài, các công ty cổ phần, tư nhân hoặc bản thân là chủ của một doanh nghiệp ăn nên làm ra, hầu như các ông bố không bị những quy định về kế hoạch hóa gia đình ràng buộc. Anh Hoàng Văn Lâm, bố của 3 người con, chủ một công ty tin học nói: "Con cái chúng tôi đang làm tăng chất lượng dân số đấy chứ. Nếu như nông dân vẫn đẻ nhiều trong khi trí thức chỉ có 1-2 con thì chẳng phải là đáng lo hay sao?".

Còn các bà mẹ, nhờ có tiền, họ không đến nỗi đầu bù tóc rối, người khai mùi nước tiểu như những phụ nữ nghèo đông con. Nhưng với 4-5 đứa trẻ đều còn trứng nước, họ cũng không thể làm bà hoàng như vẫn nghĩ khi bước chân vào ngôi biệt thự lộng lẫy.

"Thời trang tuổi trẻ của em chỉ là váy bầu"

Một sản phụ đã nói như vậy với bác sĩ Đào Thị Hợp khi đến Bệnh viện Việt Pháp để sinh đứa con thứ 4. Người phụ nữ này kết hôn năm 22 tuổi và trong 5 năm sau đó, thân hình chưa kịp gọn lại sau khi sinh đứa trước, chị đã có mang đứa sau. Cứ sinh con được mấy tháng, chị lại xắm nắm may mặc để đi làm, nhưng rồi phải cất hết vào tủ để diện... váy bầu.

"Từ khi lấy chồng đến nay, tôi luôn là một sản phụ" - chị Thái Oanh than - "Mọi người đều bảo tôi sướng, mà không biết rằng tôi chưa hề có kỳ nghỉ ngơi nào đúng nghĩa. Những dịp hiếm hoi mà ông xã có thể đưa cả nhà đi du lịch lại trở thành kỷ niệm hãi hùng. Trong khi mọi người tắm biển, ăn đặc sản thì tôi loay hoay hết cho đứa này ăn đến thay quần áo cho đứa kia, lại phải trông coi để chúng không bị ngã, đó là chưa kể phải hỏi han đến ôsin đang say xe kẻo người ta nghĩ mình bạc".

Còn chị Thu Lan thì chả dám đi đâu suốt mấy năm nay dù tính chị thích nơi giao tế. Người phụ nữ này không thấy thoải mái với vóc dáng đã sồ ra của mình. Nhưng điều người phụ nữ này lo lắng nhất là sự sa sút sức khỏe do sinh nở và nuôi con.

Bác sĩ Đào Thị Hợp cho biết, việc mang thai và sinh nở nhiều lần sẽ khiến phụ nữ già và xuống sắc rất nhanh. Cơ thể người mẹ bị "tàn phá" sau mỗi lần một đứa trẻ chào đời: da rạn, mỡ và da thừa nhiều hơn, thành bụng lỏng lẻo, cơ quan sinh dục dễ bị viêm nhiễm hơn... Sinh nở càng nhiều lần, tử cung càng giãn mỏng và người mẹ càng gặp nhiều nguy cơ. Theo bác sĩ Hợp, ngay các sản phụ cũng thừa nhận những lần sinh sau luôn mệt hơn nhiều so với lần sinh trước. Nhưng nguyên nhân chính làm người mẹ suy nhược chính là sự vất vả để chăm sóc đàn con đông đúc. Dù có người giúp việc, người mẹ vẫn phải thức đêm khi có con nhỏ và không có thời gian tự chăm sóc mình. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, càng nhiều con, cha mẹ càng có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường và bệnh mạch vành.

Ở tuổi 29, chị Thu Lan đã sớm nhận thấy những dấu hiệu của sự sa sút sức khỏe, làm gì cũng nhanh mệt hơn trước, lại hay đau nhức mình mẩy. Được hỏi có định sinh thêm không, chị cười: "Thôi, đủ nếp tẻ rồi. Đẻ nữa thì chả mấy chốc thành bà già đau khổ. Bây giờ tôi phải dùng các loại mỹ phẩm chống lão hóa, gần chục triệu một bộ đấy. May mà mình còn có tiền".

Thanh Nhàn