Nếu phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ tử vong sẽ thấp
Các Website khác - 14/01/2005
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm H5N1
tại BV Bệnh Nhiệt đới.
Tình hình lây nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên người có nhiều diễn biến phức tạp. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cơ sở đặc trách điều trị các ca bệnh nhiễm cúm H5N1 và SARS, cung cấp một số thông tin về chủ đề này.
Hỏi: Qua thực tế điều trị các ca nhiễm H5N1 trong thời gian qua, bác sĩ có thể cho biết những biểu hiện lâm sàng của cúm do H5N1? Bệnh nhân có thể phát hiện cúm thông thường và cúm H5N1? Đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm H5N1 cao?

- Bác sĩ TRẦN TỊNH HIỀN: Hiện nay chúng ta chỉ thấy những ca nhiễm H5N1 có biểu hiện lâm sàng rất nặng với các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm phổi như sốt, ho khan hay ho có đàm. Diễn tiến lâm sàng rất nhanh, khoảng 24 giờ, với thở nhanh, hụt hơi, suy hô hấp. Trên X. quang phổi, các tổn thương lan rất nhanh ra hai phổi. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng có những trường hợp nhẹ hơn, nhưng chúng ta chưa phát hiện ra, vì có thể bệnh nhân không nhập viện do bệnh tự giới hạn (như tất cả bệnh truyền nhiễm khác bao giờ cũng có thể nặng, thể nhẹ và thể không triệu chứng lâm sàng).

Trong thời kỳ mới khởi phát, triệu chứng chỉ là sốt, ho, thường thì không chảy nước mũi, vì vậy cần dựa vào yếu tố dịch tễ học - mà rõ nét hơn cả là những người trực tiếp giết mổ gia cầm bị bệnh (gà rù…) và chơi gà đá (ôm gà, hút nhớt cho gà…). Tất cả bệnh nhân bị sốt ho và rơi vào hai trường hợp trên nên đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh. Như đã nói, tất cả các trường hợp xét nghiệm dương tính với H5N1 từ đầu năm 2004 đến nay đều rơi vào các đối tượng nói trên. Đó là hai yếu tố nguy cơ cao.

Hỏi: Hiện nay ngành y tế phát hiện cúm H5N1 bằng các kỹ thuật cận lâm sàng nào?

Trả lời: Hiện nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sử dụng nhiều loại xét nghiệm. Một là test nhanh, dùng phát hiện cúm A nhưng không xác định được nhóm nào (H1N1 hay H5N1…) do đó chỉ có giá trị định hướng chẩn đoán cho bác sĩ. Cần nói thêm, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân được xác định H5N1 là có test nhanh dương tính (có lẽ do nồng độ virus H5N1 không cao trong nhớt mũi họng). Hai là kỹ thuật RT-PCR. Đây là xét nghiệm có độ chính xác cao với điều kiện phải lấy bệnh phẩm theo đúng kỹ thuật hướng dẫn. Hoặc phân lập virus: Labor virus của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có đầy đủ điều kiện kỹ thuật và an toàn sinh học để tiến hành phân lập các loại virus, kể cả H5N1 nhưng hiện nay chưa tiến hành nuôi cấy H5N1 vì một số lý do khác.

Hỏi: Thưa bác sĩ, có kỹ thuật nào phát hiện sớm bệnh nhân bị bệnh H5N1?

Trả lời: Labor virus của Bệnh viện có thể cho kết quả sau 7 giờ với kỹ thuật PCR thời gian thực (real-time PCR) nếu bệnh phẩm đưa trước 10 giờ sáng hằng ngày. Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng chẩn đoán đưa vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng có tính quyết định để tiến hành điều trị và xử lý chứ không chờ kết quả xét nghiệm.

Hỏi: Qua thực tế điều trị các ca bệnh, bác sĩ rút ra điều gì?

Để phòng chống bệnh cúm H5N1 tốt bạn hãy:

- Tuyệt đối không ăn thịt gà, vịt chết.

- Bạn đã từng tiếp xúc với gà, vịt chết, bạn ở trong vùng dịch khi có biểu hiện sốt cao thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự điều trị ở nhà (bệnh sẽ điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm trong một hoặc hai ngày đầu).

- Khi phát hiện có gia cầm chết ở nhà hay ở môi trường xung quanh, cần báo ngay với chính quyền địa phương để xử lý và thanh khử trùng nhà cửa, môi trường xung quanh.

(Nguồn Sở Y tế TP Hồ Chí Minh)


Trả lời: Hầu hết bệnh nhân được chuyển đến chúng tôi muộn (ngày 5-6) và nặng (suy hô hấp) do đó dù đã áp dụng tất cả các phương tiện hiện nay mà bệnh viện có được nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn quá cao, khoảng 70%. Vì số lượng bệnh nhân còn ít nên không thể kết luận gì về hiệu quả của bất cứ phương pháp nào.

Hỏi: Bác sĩ có thể nói thêm về diễn tiến bệnh?

Trả lời: Qua theo dõi các ca bệnh tại BV Bệnh Nhiệt đới chúng tôi, bệnh nhân nhập viện trở nặng rất nhanh. Qua X-quang, buổi sáng phổi bệnh nhân chỉ mới mờ một ít nhưng buổi tối thì phổi bệnh nhân có thể đã bị trắng hoàn toàn. Từ các ca bệnh trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy đa phần các ca khi đã đặt nội khí quản thì đều tử vong.

Hỏi: Hiện nay chúng ta đang điều trị theo phác đồ nào? Kết quả ban đầu ra sao?

Trả lời: Như đã nói, hiện nay chúng tôi điều trị đặc hiệu với Oseltamivir (Tamiflu) và sau 5 ngày điều trị thì thường không còn virus khi kiểm tra. Tuy nhiên các tổn thương phổi và phủ tạng khác đã nặng nề nên kết quả còn phụ thuộc vào công tác hồi sức hô hấp và chống bội nhiễm. Chưa có bằng chứng khoa học để kết luận cách thức điều trị nào tốt nhất, vì vậy phòng tránh không bị nhiễm có lẽ là biện pháp hiệu quả nhất. Muốn vậy, không nên tiếp xúc với gia cầm bệnh, nếu có tiếp xúc mà bị sốt thì nhanh chóng đi khám bệnh.

Tuyệt đối không ăn tiết canh vịt!


Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - cho biết:

- Việc kiểm soát hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm tại TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó nguy cơ virus H5N1 xâm nhập từ các địa phương có gia cầm bệnh vào TP rất lớn, tạo nên nguy cơ lây nhiễm cho đàn gia cầm của thành phố và nguy cơ lây nhiễm cho người.

Trước tiên, đó là những người tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, nhất là gia cầm mắc bệnh, đặc biệt là những người chơi gà đá. Kế đến là những người ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị mắc bệnh. Bốn trường hợp mắc bệnh mới đây, trong đó ba ca đã tử vong, đều là những người làm và ăn thịt gà bệnh.

* Vậy phải làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình chống lại nguy cơ bị lây nhiễm cúm gia cầm, thưa ông?

- Trong trường hợp phải tiếp xúc với gia cầm (chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ...), người tiếp xúc phải trang bị đủ các phương tiện bảo hộ như quần áo, khẩu trang, găng tay, ủng, mắt kính..., thực hiện đầy đủ các yêu cầu vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc với gia cầm như tắm rửa, thay quần áo. Tuyệt đối không ăn thịt gia cầm bị bệnh, chết do bệnh hoặc không rõ nguyên nhân.

Chỉ nên ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm khi biết rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn và phải chế biến thật chín trước khi dùng. Tuyệt đối không ăn tiết canh vịt, trứng gà sống... Người dân cũng cần lưu ý không có cơ sở khoa học và cũng không có gì bảo đảm là rượu bia được dùng kèm trong lúc ăn có khả năng bảo vệ, chống lại lây nhiễm cúm gia cầm.

* Nếu lỡ ăn thịt gia cầm bệnh, làm sao biết dấu hiệu sớm của bệnh là gì? Xử trí thế nào?

- Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân, vì thuốc chỉ có hiệu quả điều trị tốt khi được dùng trong vòng 48 giờ từ khi khởi bệnh. Việc chẩn đoán ban đầu dựa theo hai dấu hiệu: dấu hiệu dịch tễ như có tiếp xúc gia cầm, có sử dụng gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm, nhất là gia cầm bị bệnh, bị chết; và dấu hiệu lâm sàng như sốt cao trên 38oC, kèm theo các dấu hiệu viêm hô hấp như ho, khó thở... Khi người bệnh có đủ loại dấu hiệu trên, phải đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và hướng dẫn chữa trị kịp thời.

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Tổng hợp