![]() |
Các tin quảng cáo như thế này xuất hiện trên khá nhiều báo. |
Trên các tờ báo hiện có rất nhiều tin quảng cáo về cơ sở hoặc phương pháp chữa bệnh mà nội dung không hề được cơ quan chức năng thẩm định. Vì vậy, nhiều mẩu quảng cáo đã “bốc một tấc đến trời” như “chữa khỏi ung thư không cần phẫu thuật”, “chữa khỏi hẳn các bệnh da mạn tính: vảy nến, chàm… ".
Đây là một trong những mẩu quảng cáo phổ biến trên các báo: "Được phép của Bộ Y tế, phòng khám đã mời bác sĩ chuyên gia đông y Trung Quốc trực tiếp khám chữa bệnh. Các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị u vú bằng thuốc bắc, trong uống ngoài bôi kết hợp châm cứu và bào chế được bài thuốc độc đáo, điều hòa nội tiết, hoạt huyết hóa ứ, tiêu u. Ưu điểm của phương pháp này là không cần phẫu thuật nên không có sẹo, không gây đau đớn, không cần nằm viện, không ảnh hưởng đến mọi công việc; 100% bệnh nhân điều trị đều đạt được hiệu quả như mong muốn...". Bệnh u vú ở phụ nữ hiện khá phổ biến; vì vậy không ít người đọc được những dòng quảng cáo này cảm thấy như "chết đuối vớ được cọc".
Còn đây là một mẩu quảng cáo chữa bệnh ngoài da: "Phương thuốc gia truyền có từ lâu đời, cụ tổ dòng họ là lương y Nguyễn Đăng Công Lập, từng là ngự y trong triều vua Thiệu Trị... nên không những hiệu nghiệm, nhanh khỏi bệnh mà giá thành phải chăng, ai dùng cũng được. Chúng tôi có những thang thuốc gia truyền rất tốt, những lọ thuốc bôi công hiệu trị bệnh dứt điểm từ bên trong, không những nhanh khỏi các căn bệnh mạn tính như chàm, eczema, nấm, vẩy nến, á sừng, nấm tóc, lang ben, bạch biến... mà còn rất tốt cho sức khỏe". Mẩu quảng cáo này còn có lời cảm ơn rất chân thành của một người mắc bệnh vẩy nến đã 8 năm, nhờ phương thức trên mà khỏi bệnh.
Các quảng cáo về thẩm mỹ cũng không tiếc lời đưa ra những thông tin không ai biết thật giả như “lượng khách đông nhất Việt Nam”, “chuyên gia hàng đầu làm đẹp không cần phẫu thuật"...
Các chuyên gia y học rất lo ngại kiểu quảng cáo trên sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân vì gây ra sự hiểu lầm và làm chậm trễ thời điểm chữa trị của họ. Về mẩu quảng cáo chữa u vú không cần phẫu thuật, giáo sư Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện Ung thư Trung ương nhận xét là có những định nghĩa ngô nghê không đúng về chuyên môn như "U vú được chia thành hai loại u nang và u xơ hay còn gọi là u lành...". Những từ ngữ nhập nhằng về chuyên môn, những lập luận hổ lốn thiếu căn cứ khoa học ấy làm cho người đọc bị rối. Trong thực tế, u vú có nhiều loại với cách điều trị khác nhau. Riêng với u lành, có loại được điều trị nội khoa (như u viêm do cường tuyến vú) nhưng vẫn có những loại phải mổ như áp xe, u xơ, u mỡ, u nang... Quan trọng nhất là phải phân biệt, chẩn đoán bằng khoa học để phát hiện u lành hay u ác để có hướng điều trị. U ác dẫn đến ung thư tuyến vú, phải chẩn đoán tế bào học, chụp tuyến vú, xét nghiệm sinh thiết... để điều trị đúng bài bản. Những người có u ác sẽ rất nguy hiểm nếu thầy thuốc theo lời quảng cáo; vì nếu không điều trị đúng, bệnh sẽ phát triển nhanh, đến khi chữa không khỏi mới đến bệnh viện thì đã muộn, cơ hội sống còn rất ít.
Tiến sĩ Trần Hậu Khang, Phó Viện trưởng Viện Da liễu Trung ương cũng phản ứng mạnh mẽ trước những mẩu quảng cáo chữa khỏi hẳn các bệnh ngoài da mạn tính. Theo ông, điều này không đúng thực chất, không có kiểm chứng, những người cảm ơn cũng không có địa chỉ thật. Thực ra, nhiều bệnh ngoài da đến bây giờ vẫn chưa thể chữa khỏi như vảy nến, chàm cơ địa, tổ đỉa, các bệnh tự miễn... Cách điều trị tiên tiến nhất vẫn là kéo dài thời gian ổn định bệnh chứ chưa thể chữa khỏi. Tiến sĩ Khang cũng cho biết, cách đây không lâu một số bệnh nhân chữa vảy nến tại phòng khám đông y Trung Quốc đã phải vào cấp cứu ở Viện Da liễu do biến chứng. Nhiều người khác cũng phải vào đây sau khi làm đẹp ở các thẩm mỹ viện.
Hiện nay có rất nhiều cơ sở chữa bệnh, làm đẹp cứ có giấy phép hành nghề là tha hồ quảng cáo và làm nhiều chuyện; chỉ đến khi có người bệnh tử vong, thanh tra y tế mới sờ đến. Còn nếu người bệnh chỉ bị biến chứng hoặc bệnh nặng hơn thì hầu như các vị lang băm không việc gì. Họ vẫn tự do quảng cáo, tự do chữa bệnh mà không bị kiểm soát. Để khắc phục tình trạng trên, theo giáo sư Đức, cơ quan chuyên môn cần kiểm soát và thẩm định những quảng cáo chữa bệnh, tránh mập mờ gây hại cho bệnh nhân.
(Theo Lao Động)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Thuốc lắc... đằng sau những cơn hưng phấn (13/12/2004)
▪ Ung thư giáp dễ chữa khỏi nếu được phát hiện sớm (13/12/2004)
▪ Đau đầu gia tăng nguy cơ đột quỵ (13/12/2004)
▪ Hà Nội đổ xô đi tiêm vacxin phòng cúm (13/12/2004)
▪ Xuất hiện dịch quai bị ở Bắc Giang (13/12/2004)
▪ Hít nước muối ngăn ngừa virus cúm và SARS lây lan (13/12/2004)
▪ Hỏi - đáp sức khỏe (12/12/2004)