Nói lắp
Các Website khác - 24/12/2004

"Cháu 18 tuổi, bị tật nói lắp nên không muốn hòa đồng với mọi người. Chỉ những trường hợp thật cần thiết cháu mới giao tiếp nhưng cũng không dám nói nhiều, nhưng như thế sợ người ta lại nghĩ là mình khinh người. Xin hỏi tật nói lắp có chữa được không và chữa bằng cách nào?".

Trả lời:


Tật nói lắp tương đối phổ biến, ở mọi nước nói các ngôn ngữ khác nhau đều có tỷ lệ người nói lắp xấp xỉ 1% dân số. Ở mức độ nhẹ, người bị tật chỉ lắp khi xúc động, như phải nói trước đông người hoặc trong các đối thoại: thi vấn đáp, phỏng vấn... Ở mức độ nặng thì nói lắp thường xuyên, thậm chí rất nặng đến mức không thể giao tiếp được!

Nguyên nhân của tật nói lắp cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Tuy nhiên, mối liên quan giữa nói lắp với các biểu hiện hệ thần kinh thực vật là rất rõ ràng. Quan sát người nói lắp, ta thấy sắc mặt dễ đỏ, dễ toát mồ hôi, miệng khô hoặc tiết nhiều nước bọt, tim dễ đập nhanh, run... Các rối loạn vận mạch này gây khó khăn cho việc diễn đạt bằng lời nói và thường xuất hiện ngay mỗi khi có ý nghĩ phải nói. Mặt khác, người nói lắp luôn có rối loạn về nhịp thở.

Tật nói lắp chỉ có thể chữa khỏi bằng kiên trì luyện tập và kết quả càng khả quan nếu luyện tập càng sớm, khi tật lắp chưa định hình vững chắc. Trước hết là điều trị chỉnh âm: luyện cách khởi động phát âm mềm mại bằng cách lướt nhẹ các phụ âm đầu và khắc phục từng bước các âm chủ quan thấy khó phát (thường là các phụ âm tắc). Luyện tập thư giãn bằng thở bụng sâu để khống chế tốt hơn luồng hơi thở ra khi phát âm. Trên cơ sở đó, nhằm đạt được mục tiêu từng bước làm sao cho phát âm đồng bộ dần với hơi thở ra. Điều trị tâm lý: giúp bản thân tự tin dần, giảm bớt mặc cảm, mạnh dạn hơn trong giao tiếp xã hội, khắc phục tâm lý “sợ nói” để dần dần hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Điều trị bằng thuốc: hỗ trợ cho các trường hợp lắp nặng nhằm điều hòa lại hoạt động của hệ thần kinh thực vật, chống lo âu và chống co thắt cơ theo sự hướng dẫn của thày thuốc đối với từng trường hợp cụ thể.

Tóm lại, khắc phục tật nói lắp đòi hỏi một quá trình luyện tập lâu dài, đồng bộ và kiên nhẫn mới có được kết quả mong muốn!

(Sức Khỏe & Đời Sống)