Phòng chống một số bệnh mùa lạnh
Các Website khác - 05/01/2005
Mùa đông, nên mặc ấm khi ra ngoài.

Các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong mùa đông-xuân do độ ẩm cao, khí áp và nhiệt độ thấp. Trong điều kiện này, khả năng đề kháng của cơ thể suy giảm trong khi các vi sinh vật phát triển mạnh.

Các bệnh đường hô hấp hay gặp trong mùa lạnh là:

Sổ mũi: Là chứng bệnh dị ứng phổ biến nhất vào mùa lạnh. Bệnh nhân hắt hơi liên tục, kèm chảy nhiều nước mũi trong và lỏng, không sốt. Phòng và chữa: Dùng thuốc chống dị ứng thông thường trong vài ngày sẽ hết.

Viêm mũi - xoang: Xuất hiện khi bị nhiễm lạnh, với triệu chứng ngứa và chảy nước mũi nhiều, có thể sốt hoặc không. Trẻ còn bú thường khó chịu, ngủ không yên giấc, nghẹt mũi nên thở khò khè, phải thở bằng miệng và khi bú phải ngưng nhiều lần để thở. Viêm xoang (xoang trán, xoang sàng, xoang hàm hay đa xoang) thường xảy ra sau bệnh mũi... Nhức đầu, nghẹt mũi, hay khịt mũi là biểu hiện nổi bật.

Viêm amiđan và V.A: Bệnh khá phổ biến ở trẻ 3-7 tuổi. Trẻ viêm V.A sẽ gầy yếu, kém nhanh nhẹn, chảy nước mũi thường xuyên, sốt vặt kèm ho nhiều, chảy mủ tai, mũi bị nghẹt và phải thở bằng miệng. Trẻ viêm amiđan cấp sẽ sốt cao, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng, mệt mỏi, biếng ăn và dễ gây biến chứng nếu không điều trị đúng.

Viêm họng cấp: Rất thường xảy ra cả ở người lớn và trẻ em do không khí lạnh kích thích gây viêm xung huyết, làm giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các mầm bệnh sẵn có trên đường hô hấp phát triển. Tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn liên cầu tan máu nhóm A, có thể biến chứng dẫn đến bệnh thấp khớp, tim, phổi, thận... ở trẻ em. Bệnh cũng có thể dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản mãn, giãn phế quản và viêm phổi gây nguy hiểm, tử vong ở người già và trẻ nhỏ do suy hô hấp nặng.

Cảm - cúm: Dù có bản chất khác nhau (cúm do virus gây nên, cảm lạnh là do các tác động vượt quá khả năng tự bù trừ của cơ thể) nhưng 2 bệnh này vẫn thường được gọi chung bởi các biểu hiện bên ngoài tương đối gần nhau.

Viêm thanh quản: Dễ xảy ra ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, đặc biệt ở những người mà nghề nghiệp đòi hỏi phải nói nhiều (ca sĩ, giáo viên...). Bệnh xuất hiện sau viêm nhiễm đường hô hấp trên rồi lan xuống thanh quản. Điều trị viêm thanh quản phải gồm cả điều trị toàn thân và tại chỗ.

Hen phế quản: Phế quản người bị hen vốn rất nhạy cảm với mọi kích thích từ các dị nguyên bên ngoài (phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ...) hay có nguồn gốc nội tại (các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể).

Viêm phổi: Trời từ nắng ấm chuyển sang lạnh đột ngột rất dễ gây viêm phổi. Trẻ đi học có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn vì khi đưa đón, tiếp xúc nhiều với không khí lạnh, dễ có nguy cơ lây nhiễm trong sinh hoạt cộng đồng. Viêm phổi không điều trị kịp thời dẫn đến suy hô hấp, biến chứng nhiễm trùng máu và chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất.

Để phòng chống các bệnh hô hấp mùa đông xuân, điều cơ bản nhất là chống lạnh (mũ, áo lạnh, khăn quàng cổ, tắm nước ấm...) và đeo khẩu trang chống bụi. Ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày.

Ngoài bệnh đường hô hấp, các bệnh về da cũng hay xuất hiện trong mùa lạnh như khô da, nứt môi, nứt gót chân, mề đay do lạnh. Mề đay gây ngứa dữ dội, xuất hiện vài giờ rồi biến mất, kèm theo có khó thở hoặc tiêu chảy do các ban mọc cả trong đường hô hấp và tiêu hóa gây kích thích. Cách phòng chống là bổ sung đủ nước cho cơ thể và bề mặt da, xoa các loại kem có vaseline để làm mềm và giữ ẩm. Dùng thuốc chống dị ứng khi có biểu hiện ngứa ngáy và nổi ban.

TS Bùi Mạnh Hà, Sức Khỏe & Đời Sống