Phòng đau ốm khi đi xa
Các Website khác - 27/01/2005

Dịp lễ Tết là thời gian thuận lợi cho mọi người nghỉ ngơi, đi du lịch hoặc thăm viếng họ hàng, bằng hữu. Trong chuyến đi xa, bạn sẽ dễ gặp các vấn đề sức khỏe nếu không biết cách tự chăm sóc.

Hiện tượng chệch múi giờ

Với sự tiến bộ của ngành hàng không, con người có thể di chuyển từ hai địa điểm rất xa nhau trên trái đất trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi vượt qua nhiều múi giờ như vậy, cơ thể chúng ta sẽ có một số thay đổi sinh học, gây khó chịu và cần được điều chỉnh lại. Đó là hội chứng chệch múi giờ (jet lag syndrome).

Ngoại trừ vi khuẩn, cơ thể các sinh vật cũng như thảo mộc đều có một cơ chế gọi là đồng hồ sinh học. Nó hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ trong khoảng thời gian 24 giờ để điều hòa một số chức năng như sự thức, ngủ, nhiệt độ cơ thể... sao cho thích hợp với môi trường ta đang ở. Đồng hồ sinh học nhận tín hiệu quan trọng từ môi trường chung quanh như ánh sáng, bóng tối, nhiệt độ... để sắp xếp một nề nếp sinh hoạt cho cơ thể, mà ta gọi là thói quen. Một khi thói quen được thiết lập, cơ thể cứ theo giờ giấc đó mà làm việc, không lệ thuộc vào ngoại cảnh.

Khi di chuyển sang một địa phương khác có sự chênh lệch nhiều múi giờ so với nơi xuất phát, cơ chế sinh học này cần một thời gian năm ba ngày để điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong thời gian đó, cơ thể thường có một số biểu hiện khó chịu như mệt mỏi, ngủ thất thường, ăn uống khác giờ, rối loạn tiêu hóa, thân nhiệt thay đổi. Sở dĩ như vậy là vì cơ thể ta đã ở môi trường khác lạ, nhưng đồng hồ sinh học vẫn còn được sắp xếp theo môi trường cũ, với các sinh hoạt cũ. Hiện tượng này cũng gặp ở mọi sinh vật. Một con cua sống ở vùng biển Đông, nếu được di chuyển sang biển phía Tây, thì trong mấy ngày đầu vẫn giữ màu sắc bình thường như khi ở biển Đông. Hoa trinh nữ vẫn mở lá ban ngày, khép lá ban đêm, dù ta có che hoa khỏi ánh sáng mặt trời, hoặc như một người Mỹ đi du lịch châu Á, qua nửa vòng trái đất, trong mấy ngày đầu đồng hồ sinh học vẫn hoạt động như lúc còn ở Mỹ.

Tiến sĩ Charles F. Ehret (Mỹ) đề nghị nên giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới địa điểm mới. Cẩn thận hơn, ông còn gợi ý: ba ngày trước khi khởi hành, cần ăn no với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như mỳ, khoai tây; ăn một ít hạt ngũ cốc trên máy bay. Khi tới nơi, ăn một bữa ăn thịnh soạn với nhiều thịt. Ehret cho rằng chất đạm giúp ta năng động hơn, còn chất bột làm ta dễ buồn ngủ. Ông còn khuyên cố gắng duy trì hoạt động theo giờ giấc nơi tới, ra ngoài trời nắng nhiều, vận động cơ thể. Nếu ghiền cà phê, chỉ nên uống vào khoảng từ 3 tới 5 giờ chiều.

Về giấc ngủ, Ehret đề nghị thay đổi giờ giấc ngủ buổi tối trong ba ngày trước: nếu bay về phương Đông, cần đi ngủ sớm hơn một giờ và cũng thức sớm hơn một giờ mỗi đêm cho mỗi múi giờ chênh lệch. Bay về hướng Tây thì làm ngược lại. Mục đích là để cơ thể thích nghi dần với địa phương mà ta sẽ tới.

Trong khi bay, tránh dùng cà phê, thuốc ngủ, rượu. Uống nhiều nước lạnh, nước trái cây. Chỉnh đồng hồ theo giờ nơi sẽ tới, bắt đầu sinh hoạt như ta đang ở nơi đó: ăn, ngủ theo giờ giấc mới. Nếu nơi sẽ tới đang là ban đêm, nên che mắt để ngủ, không ăn hay đọc sách, coi tivi. Nếu là ban ngày thì cố thức, đi tới lui trong máy bay, đọc sách, coi tivi...

Khi tới nơi, phải hoạt động ngay theo giờ giấc mới tại địa phương. Giả sử ta tới vào buổi sáng sau một đêm dài trên máy bay, nếu lúc đó là giờ sắp đi ngủ ở chỗ xuất phát thì ta đừng ngủ, mà cố gắng hoạt động theo thời khóa biểu tại địa phương cho tới chiều. Nếu cần, nên dành vài chục phút nghỉ dưỡng thần, vì nếu ngủ nhiều thì sự thích nghi của đồng hồ sinh học với môi trường mới sẽ khó khăn hơn. Nếu ta tới nơi vào ban đêm, thì nên đi ngủ ngay, không nên thức trắng, hàn huyên tâm sự, làm xáo trộn giờ giấc của người địa phương.

Thực phẩm, nước uống

Ngoài việc ăn theo khẩu phần đặc biệt, những bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp, cao Cholesterol... còn phải để ý tới cách thức nấu nướng và phẩm chất của thức ăn.

Ở một số vùng, hiện người ta vẫn dùng phân tươi của người, súc vật để bón, tưới rau, nếu không rửa kỹ, nấu không chín sẽ gây các bệnh sán lãi, ký sinh trùng cho người tiêu thụ. Ngoài ra, việc bón nhiều phân hóa học không đúng kỹ thuật cũng làm cho rau chứa nhiều hóa chất gây ảnh hưởng nguy hại cho cơ thể. Các loại thủy sản như tôm, cua, sò, hến... ở những vùng nước bị nhiễm độc, thịt ôi không ướp lạnh, sữa tươi không khử trùng cũng gây ra nhiều bệnh.

Để tránh bệnh tật do thức ăn gây ra, đừng quên bóc vỏ trái cây hoặc nấu chín thực phẩm trước khi ăn. Nên ăn vặt, ăn nhiều bữa nhẹ trong ngày vì nếu có ít thức ăn trong bao tử, dịch vị có thể tiêu diệt bớt hoặc làm giảm độc tính của sinh vật gây bệnh.

Nước uống cũng là vấn đề quan trọng đối với khách du lịch xuyên lục địa. Ở Mỹ, nước máy hầu như rất an toàn, có thể uống trực tiếp, nấu nướng, tắm rửa, đánh răng. Nhưng ở nhiều quốc gia, ngay cả ở một số địa phương châu Âu, nước không đảm bảo an toàn để uống hoặc đánh răng. Nên uống nước đun sôi, nước đóng chai có ga, nước trái cây nguyên chất, tránh uống nước máy, nước đá cục. Cũng có thể mua ở tiệm thuốc tây, tiệm bán đồ thể thao, đồ cắm trại vài viên Halazone, Potable Aqua để làm tinh khiết nước.

Những bệnh có thể mắc khi đi xa

Bệnh sốt rét định kỳ do muỗi Anophele truyền vẫn còn hoành hành ở vùng nhiệt đới. Một số người sau khi du lịch trở về Mỹ đã mắc bệnh, có bác sĩ gia đình ở Mỹ chưa từng gặp bệnh này trong thời gian học cũng như hành nghề nên đã bỏ qua, không nghĩ đến sốt rét ngã nước.
Do đó, khi du lịch đến những vùng trên, cần chú ý phòng ngừa, ngủ mùng, mặc quần áo che toàn thân, bôi thuốc đuổi muỗi. Yêu cầu bác sĩ cho uống thuốc phòng ngừa trước khi đi, trong thời gian du lịch và sau khi trở về.

Bệnh do thực phẩm, nước uống nhiễm độc gây ra như viêm gan A, bệnh sốt rét, thương hàn thì có thể tiêm ngừa trước.

Riêng bệnh tiêu chảy thường xảy ra và gây nhiều khó chịu; thủ phạm gồm nhiều vi khuẩn khác nhau, thông thường nhất là vi trùng E. Coli, thường gặp trong rau, hải sản nhiễm độc qua phân tươi. Chỉ được xem là bị tiêu chảy khi đi cầu phân lỏng trên 3 lần trong 24 giờ. Thường tình trạng này chỉ kéo dài 3-5 ngày, sau khi các chất độc đã thải ra hết. Nếu kéo dài lâu hơn và phân có lẫn máu thì bệnh khá trầm trọng, có thể do nhiễm một loại vi trùng khác độc hại hơn. Để tránh tiêu chảy do thực phẩm và nước uống nhiễm trùng gây ra, không được uống nước chưa đun sôi, không ăn thức ăn chưa nấu chín và không dùng trái cây bóc vỏ sẵn. Về phòng ngừa và điều trị, có thể uống 2 viên Pepto - Bismol 4 lần trong ngày trước khi ăn và khi đi ngủ, mỗi ngày uống một viên kháng sinh Bactrim, Cipro.

Khi bị tiêu chảy, điều cần làm là uống thật nhiều nước tinh khiết có pha khoáng chất để bù lượng nước bị mất đi, dùng viên Imodium để giảm co bóp của ruột. Nếu tình trạng trầm trọng, cần đến khám ở bác sĩ và làm xét nghiệm xác định vi sinh vật gây bệnh để điều trị bằng loại kháng sinh thích hợp.

Vài điều lưu ý

Người cao tuổi thường mắc một số bệnh mãn tính như phong thấp, cao huyết áp, nhiếp hộ tuyến sưng, khiếm khuyết thính - thị giác nên nhiều khi ngại di chuyển bằng máy bay. Do vậy ở Mỹ, năm 1986 đã ban hành đạo luật Air Carrier Access, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ra những luật nhằm bảo vệ, giúp đỡ người cao tuổi, người có bệnh khi họ sử dụng đường hàng không.

Khi có bệnh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem việc di chuyển bằng máy bay có an toàn không? Nếu bị nhồi máu cơ tim không có biến chứng thì 3 tuần sau khi khỏi bệnh, có thể đi máy bay. Nhưng người bị huyết áp cao không nên đi máy bay.

Bệnh nhân đái tháo đường, nhất là đái tháo đường type 1 phụ thuộc vào Insulin, nếu di chuyển qua nhiều múi giờ thì nên cẩn thận. Cần mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút (giữ ở nhiệt độ lạnh), kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường trong máu. Kinh nghiệm cho thấy khi di chuyển về hướng Đông (ngày ngắn đêm dài) thì lượng Insulin cần dùng cũng ít đi. Còn đi về hướng Tây (ngày dài đêm ngắn), thì lượng Insulin cần tăng chút đỉnh. Điều đặc biệt lưu ý là nhớ đo đường trong máu theo lịch trình định sẵn.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi bị giãn nở tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, khiến máu lưu thông trở ngại, có thể gây biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch sâu. Để phòng tránh, nên mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên đi vài vòng trong máy bay hoặc cử động chân tay tại chỗ.

Nếu mắc chứng động kinh, nên tăng thuốc lên một chút để tránh lên cơn bất ngờ.

Nếu bị bệnh về tâm trí, nên uống thuốc an thần, cữ rượu.

Khi bị bệnh thiếu máu (anemia) nặng, nên hoãn chuyến bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.

Bệnh nhân mới giải phẫu ghép nối động mạch vành mà không có biến chứng cũng nên đợi 2 tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực... nên đợi cho đến khi lành hẳn vết mổ, không gây biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt.

Những phụ nữ sắp đến ngày sinh nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày sinh không xảy ra trong vòng 4 tuần khi bay ra nước ngoài. Còn với các chuyến bay trong nước thì 7 ngày trước khi sinh vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sinh đẻ trên máy bay gây rắc rối, chứ việc di chuyển máy bay không gây ảnh hưởng xấu gì cho người mẹ và thai nhi.

Trên mỗi máy bay đều có một tủ thuốc cấp cứu. Trong đó có máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống tiêm và găng tay cao su. Về thuốc thì có 50 ml dịch dextrose dạng tiêm, 10 viên Nitroglycerin cho bệnh đau thắt ngực (angina), hai ống Benadryl, 2 ống Epinephrine 1‰ cấp cứu sốc phản vệ. Trên máy bay, tủ thuốc cấp cứu chỉ được mở khi được bác sĩ và đại diện công ty hàng không cho phép. Dưỡng khí cũng được dự trữ trên máy bay cho trường hợp khẩn cấp.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)