Hỏi:Quá trình nhiễm virus cúm H5N1 từ gia cầm sang người được xác định lây theo đường hô hấp trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, từ đầu mùa dịch đến nay đã xuất hiện vài bệnh nhân nhiễm virus và tử vong chỉ vì tắm trên kênh, rạch có vứt bỏ gia cầm, thủy cầm bệnh. Con đường lây truyền trong những trường hợp này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Chúng ta đều biết trong phân của thủy cầm có chứa virus H5N1. Khi những đàn vịt, ngan được người dân nuôi ở ao hồ, sông, chúng sẽ thải phân ra nguồn nước. Nguồn nước này mang virus gây bệnh phát tán đi khắp nơi. Mặc dù trong nước, nồng độ virus loãng hơn nhưng nếu cơ thể người có cảm thụ đặc biệt thì sẽ dễ dàng nhiễm virus khi nước chảy vào miệng, vào mũi. Như vậy, nếu con người tiếp xúc với nguồn nước có gia cầm chết, có thể sẽ nhiễm H5N1.
Hỏi: Vậy virus cúm A H5N1 có thể sống và có khả năng truyền bệnh ngoài môi trường bao lâu?
Trả lời: Với virus cúm A H5N1, do đã thích ứng cao trên các loài chim hoang dã nên khả năng tồn tại ở môi trường thường cao hơn. Chúng có thể tồn tại trong phân gia cầm khoảng 3 tháng (lượng virus có độc lực cao trong 1 g phân có thể làm nhiễm bệnh cho 1 triệu con gà). Dưới nước có nhiệt độ 22oC, virus sống được 4 ngày. Nếu nước lạnh hơn thì virus còn có khả năng tồn tại lâu hơn. Đặc biệt, trong các sản phẩm gia cầm bảo quản lạnh, virus sống tới hàng năm.
Hỏi: Nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm có như nhau đối với mọi người không?
Trả lời: Về lý thuyết, nguy cơ là gần như nhau vì đây là tác nhân gây bệnh mới cho mọi người chưa có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng nhiễm virus H5N1 của mỗi người có thể rất khác nhau do cơ địa khác nhau và nhất là do sự thích ứng của virus theo loài chưa được xác lập. Tuy nhiên, virus cúm gia cầm lây bệnh cho người phải có các điều kiện: vượt qua rào cản của loài (gà và người); có độc lực cao; cơ thể cảm thụ (người) có các yếu tố khiếm khuyết về miễn dịch và có yếu tố đồng nhiễm (phù hợp về di truyền sinh học)
Hỏi: Mầm bệnh cúm gia cầm được truyền qua các thực phẩm như trứng, thịt gia cầm như thế nào?
Trả lời: Đến nay, các chuyên gia y tế thế giới cũng như trong nước đều chưa biết được chính xác con đường lây nhiễm. Tuy nhiên, virus này không lây qua đường tiêu hóa (virus sẽ bị chết trong vòng ba phút ở nhiệt độ 70oC). Thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm như trứng đều không có khả năng gây bệnh khi đã được chế biến chín. Tuy nhiên, trong quá trình giết mổ, chế biến gia cầm, người làm thịt gia cầm sẽ không tránh khỏi những tiếp xúc trực tiếp lên gia cầm. Đây là đường lây truyền virus lên người.
Hỏi: Có phải những người có cùng huyết thống có khả năng nhiễm bệnh như nhau, thưa ông?
Trả lời: Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, trong gia đình nếu phát hiện một người mắc bệnh thì anh chị em trong gia đình cũng rất dễ mắc bệnh. Trường hợp ba anh em ở Thái Bình là một thí dụ, có bốn người cùng ăn tiết canh ngan nhưng chỉ ba anh em ruột xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1; còn người em rể thì không bị mắc bệnh. Tuy nhiên, về cơ chế lây bệnh trong trường hợp trên hiện chúng tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời.
|