Phụ nữ cao tuổi béo phì dễ bị máu trắng
Các Website khác - 19/11/2004

Thừa cân hoặc béo phì làm tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư bạch cầu dạng tuỷ cấp tính (ALM), một trong những dạng ung thư máu nguy hiểm nhất ở những phụ nữ có tuổi, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng tình trạng quá béo làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột kết, vú, tử cung, thận và một số bộ phận khác. Công trình mới này bổ sung thêm một căn bệnh ung thư nữa vào danh sách, trưởng nhóm nghiên cứu Julia A. Ross, một nhà dịch tễ học, nhận định.

"Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy béo phì không phải là tốt", bà nói.

Ross và cộng sự tại Đại học Minnesota đã phân tích số liệu thu thập được về tình trạng sức khỏe của 40.000 phụ nữ Mỹ trong độ tuổi 55-69 từ năm 1986 tới 2001. Trong số này, 37.000 người không bị ung thư vào giai đoạn bắt đầu nghiên cứu, 200 người mắc các dạng ung thư bạch cầu khác nhau trong đó có 74 bị ung thư dạng tuỷ cấp tính và 88 mắc một dạng tiến triển chậm của bệnh máu trắng - ung thư bạch cầu mãn tính.

Kết quả cho thấy khoảng 30% trường hợp bị ung thư dạng tuỷ cấp tính rơi vào những phụ nữ hơi béo (65-75 kg) và quá béo (trên 75 kg). Với những người trên 55 tuổi và chỉ hơi béo, nguy cơ mắc bệnh cao hơn 90% những người ít tuổi hơn và cân nặng thấp hơn. Cũng trên 55 nhưng béo phì, chênh lệch này lên tới 140%. Tuy nhiên, các chuyên gia không phát hiện thấy mối liên hệ nào giữa tình trạng béo phì với nguy cơ mắc dạng tiến triển chậm hơn của ung thư máu, đó là ung thư bạch cầu mãn tính.

Nhóm nghiên cứu chưa tìm ra cơ chế gây ung thư máu dạng tuỷ cấp tính của sự kết hợp 2 yếu tố tuổi cao và béo phì, song cho rằng hoóc môn và các yếu tố di truyền có thể có vai trò. Rất có thể những gene gây nên tình trạng béo phì cũng là tác nhân gây bệnh. Họ cũng không biết liệu nguy cơ mắc bệnh có giảm sau khi giảm cân hay không và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này.

Việt Linh (theo AFP)