Sóng siêu âm giúp làm tan máu đông
Các Website khác - 18/11/2004

Loại sóng siêu âm mà người ta hay dùng để chẩn đoán nguy cơ đột quỵ và giới tính thai nhi có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu và làm tan các cục máu đông trong não ở những bệnh nhân bị đột quỵ.

Kỹ thuật này đã được các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Texas (Boston, Mỹ) cùng với các chuyên gia tại Tây Ban Nha và Canada nghiên cứu. Trên thế giới, mỗi năm có hàng triệu người bị đột quỵ. Riêng tại Mỹ, con số này là hơn 700.000 người/năm. Đây là căn bệnh gây liệt hàng đầu trên thế giới và là căn bệnh gây tử vong cao thứ ba, chỉ sau bệnh tim và ung thư.

Đột quỵ xuất hiện khi một cục máu bị tắc trong mạch và làm ngừng quá trình lưu thông máu. Từ lâu, người ta đã chế tạo được một loại thuốc có tên TPA có tác dụng làm tan khối máu nghẽn trước khi tế bào não ngừng hoạt động vì thiếu máu. Sóng siêu âm cũng đã được ứng dụng để chẩn đoán đột quỵ song chưa bao giờ được áp dụng cho việc chữa trị. Vài năm gần đây, các công trình nghiên cứu đã hướng tới việc tìm hiểu xem sóng siêu âm có thể làm tăng tác dụng của thuốc TPA hay không.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Texas đã tiến hành thử nghiệm dùng sóng siêu âm trên 126 bệnh nhân đột quỵ do bị đông máu ở mạch máu tiểu não sau khi cho họ dùng thuốc TPA và so sánh với một nhóm bệnh nhân chỉ dùng thuốc. Trong vòng 2 giờ, máu đã lưu thông trở lại ở gần một nửa số bệnh nhân. Thậm chí nhiều người đã hồi phục rất ngoạn mục và không còn các biểu hiện của đột quỵ nữa. Trong khi đó, chỉ có 30% số bệnh nhân dùng thuốc TPA nhưng không được quét sóng siêu âm có hiện tượng này.

Tác dụng lâu dài của sóng siêu âm còn đáng chú ý hơn nhiều. Sau 3 tháng, 42% bệnh nhân được điều trị bằng thuốc TPA kết hợp với sóng siêu âm đã hoàn toàn mất hẳn các triệu chứng bại liệt hoặc có thể tự lo cho bản thân. Trong khi đó, chỉ có 29% bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu hồi phục. Hơn nữa, hiện tượng chảy máu trong não khi kết hợp sử dụng sóng siêu âm với thuốc ít khi xảy ra và không nghiêm trọng hơn so với khi chỉ dùng thuốc chống đông máu.

Nhóm nghiên cứu chưa giải thích được cơ chế hỗ trợ thuốc chống đông máu của sóng siêu âm. Nhưng họ tin rằng sóng có khả năng "khuấy" máu ở gần khối nghẽn, giống như một chiếc "thìa" siêu âm, và nhờ đó nó làm tăng khả năng hoạt động của các chất trong thuốc. Ngoài ra, nó cũng giúp cho thuốc gắn kết trực tiếp với khối nghẽn.

"Hãy tưởng tượng khối máu đông nằm trong một hộp kín và sóng siêu âm, bằng cách nào đó, đã mở chiếc hộp ra", một chuyên gia giải thích. Một khả năng nữa cũng có thể xảy ra. Đó là sóng siêu âm đã "rung lắc" khối máu và làm nó tan ra.

Kỹ thuật này, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ áp dụng được với những bệnh nhân điều trị bằng thuốc TPA. Song cái khó là bác sĩ không thể dùng thuốc này cho các bệnh nhân bị tràn máu não.

Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, nhiều nhà khoa học đã tính tới việc tìm hiểu xem liệu sóng siêu âm có năng lượng cao có thể tự mình làm tan khối máu đông mà không cần đến sự có mặt của thuốc chống đông máu hay không.

Việt Linh ( theo AP)