“Stress là chất muối thi vị của cuộc đời, thiếu nó thì không còn gì là cuộc sống. Nhưng cái hại của chất muối là nhiều khi ta sử dụng nó mặn quá độ” - Hens Selye, người sáng lập Hội Stress quốc tế tại Canada, nói.
Stress là lực tác động trên hệ thống sinh học, tức con người. Nó là những áp lực về mặt tâm lý do các biến động trong gia đình, xã hội, khiến con người mất cân bằng. Khi bị stress, ta cảm thấy căng thẳng, cơ thể có những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại.
Stress không phải luôn luôn là xấu. Với liều lượng vừa phải, nó giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác để đối phó lại những tình huống không thuận lợi. Con người luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt là về mặt tinh thần, tâm lý; và stress giúp ta có phản ứng cần thiết để đối đầu với chúng. Chẳng hạn, trong cuộc sống, ai cũng từng bị khủng hoảng trong công việc, học tập, tình yêu... Nhờ stress, ta có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress.
Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và con người không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể sẽ bị rối loạn cả về thể chất lẫn tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bị stress, cơ thể có những biến đổi và điều này là nguy cơ gây bệnh. Khi đó, các hoóc môn như glucocorticoid và adrenalin ở tuyến thượng thận bị tăng tiết làm cho mạch máu co lại, giữ natri và nước lại trong cơ thể, khiến bệnh nhân ít bài tiết nước tiểu, dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, người bị stress thường xuyên dễ bị tăng huyết áp.
Khi nồng độ glucocorticoid và adrenalin trong máu cao do stress, số bạch cầu trong máu xuống. Do đó, người bị stress thường xuyên dễ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Stress cũng làm tăng tiết các hoóc môn ở hệ thần kinh như hoóc môn tăng trưởng, prolactin, endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra). Chúng cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Khi bị stress, cơ thể ít giải phóng insulin, hoặc insulin tiết ra đủ nhưng hoạt động không hiệu quả, gây tăng đường máu. Stress cũng gây rối loạn chuyển hóa chất béo, làm tăng lượng triglycerid và cholesterol “xấu”, dẫn đến đóng cặn mỡ trong thành động mạch. Người bị stress thường xuyên dễ bị các bệnh tim mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não do cao mỡ trong máu.
Ngoài ra, stress cũng thường xuyên đưa đến các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược tâm thần, trầm cảm... Người bị stress thường ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện.
Tiến sĩ Hiroshi Nakajama thuộc Tổ chức y tế thế giới nói: “Stress có ở tất cả mọi người, nó là sự kích thích cần thiết, nhưng nếu quá thừa sẽ đưa đến các bệnh về thể chất và tâm thần”. Do đó, điều quan trọng là biết thích nghi, làm chủ và hóa giải được stress lúc nó bắt đầu phát triển đến ngưỡng nguy hại.
Y học cổ truyền phương Đông cũng lưu ý đến vấn đề này từ lâu. Danh y Tuệ Tĩnh thế kỷ 14 trong tác phẩm Nam dược thần hiệu đã xác định: Thất tình (vui sướng, giận dữ, ưu phiền, sầu thảm, tư lự, sợ hãi, khiếp đảm) là nguyên nhân bên trong của mọi bệnh. Còn Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ 17) đã viết trong quyển Vệ sinh yếu quyết:
“...Nội thương bệnh chứng phát sinh
Thường do xúc động thất tình gây nên.
Lợi dục đầu mối thất tình"
Và bí quyết giữ gìn sức khỏe chính là:
"Chặn lòng ham muốn thì mình được an.
Cần nên tiết dục thanh tâm,
Giữ lòng liêm khiết chẳng tham tiền tài”.
TS Nguyễn Hữu Đức, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Mổ thành công 100 ca bệnh tim đầu tiên (07/01/2005)
▪ Đau sau gáy do viêm xoang? (07/01/2005)
▪ Nguyên nhân của chứng hôi miệng (07/01/2005)
▪ Răng mọc trong xoang (07/01/2005)
▪ Điều trị viêm họng cấp tính (06/01/2005)
▪ Hy vọng mới cho những người bị tổn thương cột sống (06/01/2005)
▪ Malaysia: không còn cúm gà (07/01/2005)