Vẫn rất dễ thương mà không cần phải quá gầy! - Ảnh minh họa - Nguồn: hue.vnn.vn |
Lên bục giảng làm bài Anh văn được 2 phút, người rã ra như bún, QA ngã gục ngay trên bục giảng. Thầy hốt hoảng, trò nháo nhác, tiết học gián đoạn.
Kịp đưa QA vào phòng y tế, các bạn mới nhận ra nguyên nhân ngất xỉu trên khuôn mặt khô đét , vàng như nghệ của cô gái vốn được mệnh danh là người mẫu này. “Hệ quả của những tháng ngày hắn nhịn ăn vì sợ mập đó mà!”. L.My bạn thân của QA thốt lên như vậy.
Gầy... mới đẹp
Mới mặc bộ đồng phục thể dục đến trường bữa đầu tiên, Kim Hồng (ĐHKHXH&NV) đã được giáo viên thể dục chiếu cố nhiệt tình. Kèm với ánh mắt ái ngại dành cho cô gái cao 1m50, gầy như que củi này là cái cầm tay và lắc đầu: “Sao mà gầy vậy hả con?”. Cả mấy học kỳ giáo dục thể chất, điểm thi của Hồng luôn dừng lại ở con số 5, ấy là điểm chiếu cố cao nhất.
Cứ tưởng tượng cảnh cánh tay nhỏ nhắn kia đánh quả bóng chuyền không xa hơn 1m là hiểu ngay lý do. Bây giờ đã là SV năm 4, nhưng trông Hồng vẫn như một SV năm nhất mới tập tễnh vào trường. Biệt danh Hồng “củi” vẫn bám theo cô đến tận bây giờ.
“Một thân hình mi nhon xinh xắn, một dáng vẻ dễ nhìn, không được như những cô gái chân dài nhưng ít nhất cũng phải bắt mắt, ngày càng có sự hấp dẫn lạ kỳ đối với giới trẻ và được các bạn tận dụng một cách triệt để cái eo của mình” - Mỹ Dung huyên thuyên khi các chàng đang bàn luận về một nhóm 5 bạn nữ áo bó, quần ôm lả lướt dạo ngang trước mặt. Nhưng không phải ai cũng có được một vóc dáng trời cho. Vì thế, để hợp mốt, một số SV bước và “chiến dịch” làm đẹp, tất nhiên không phải là giải phẫu thẩm mỹ mà lên “kế hoạch” làm gầy.
Với một phong cách rất “xì tin”, Ánh Tuyết SV năm thứ 2 ngành sử rất tự hào với kiểu dáng rất “phoọc nhon” của mình. Tuyết cho biết, để có được thân hình mình dây lý tưởng, Tuyết phải trải qua một quá trình lao khổ, “giảm thực” khắt khe mà cô liên tục áp dụng trong 4 tháng. Cứ nhìn thực đơn mỗi ngày của Ánh Tuyết không ít bạn phải lắc đầu. Sáng: sữa tươi, trưa: 1chén cơm, tối: một ổ bánh mì. Thực đơn có thể thay đổi nhưng nhất thiết là ít béo, ít mỡ và không bao giờ có khái niệm bước sang chén cơm, ổ bánh thứ hai.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - Phó trưởng phòng khoa Dinh dưỡng cộng đồng: Việc nhiều SV vì muốn có vóc dáng đẹp mà kiêng khem không có sự chỉ dẫn của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất và sức khỏe bản thân. Nhịn ăn về lâu dài SV sẽ bị tụt đường huyết, học nhiều mà hiệu quả không cao. |
Cũng nằm trong kế hoạch giảm ký nhiều SV còn hạn chế ngủ một cách tối đa. Kim Ngân (ĐH Bách khoa) không bao giờ cho phép mình ngủ quá 4 tiếng một ngày, nếu hôm nào lỡ ngủ quá thì lập tức “thức bù”. Đến mùa thi, kết hợp với việc ôn thi và động lực giảm ký, Ngân giảm thời gian ngủ của mình xuống 3 tiếng một ngày mà không dám tẩm bổ vì sợ mập.
Sáng tạo hơn, Dạ Vi – TH Du lịch - lại sưu tập tất cả những tạp chí thời trang, những “kim tự điển” về mốt. Những kiến thức đó được Vi tận dụng triệt để vào hình dáng của mình. “Các kiểu quần áo bây giờ không bó thì ôm, nếu không có được mốt mình dây lý tưởng thì không thể mặc được những bộ đồ đó...”, “buồn nhất là khi đi xin việc làm các nhà tuyển dụng nhìn thấy mình không có được thân hình hấp dẫn là họ lắc đầu liền, dù mình có chuyên môn vững đến đâu”. Dạ Vi vừa nói vừa than thở, cứ như chiến dịch làm gầy là cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì tương lai tươi sáng của mình.
Hậu... “chiến dịch”
“Quanh các giảng đường ĐH bây giờ không thiếu những người mẫu SV đi học như đi diễn, đẹp không chưa thấy chỉ thấy một số tiền không nhỏ đã thăng hoa vào các shop”, Thành Trung đưa ra vài câu bình luận khi có nàng mình dây vừa khua guốc đi qua. Đa số các bạn nam đều không tán đồng lắm với những “cây sậy giảng đường”. Dù đi kèm với họ là những bộ quần áo rực rỡ đắt tiền, phấn son hào nhoáng thì vẫn không thể che giấu nổi sự mệt mỏi, vàng vọt trên khuôn mặt. Không đủ sức khoẻ để học tập, điểm số cứ tuột dần theo những cuộc nhịn ăn.
Linh Hà khi đã có được thân hình dây lý tưởng thì ba mẹ Hà phải một phen hú vía khi phát hiện con gái mình bị suy nhược nặng. Nằm trên giường bệnh, Hà mới thấm thía sự tác hại từ những cuộc nhịn ăn của mình. Bố mẹ thì tất bật mua những món ăn ngon tẩm bổ nhưng cảm giác thèm ăn vẫn chưa đến với Hà. Bố mẹ cứ một mực ép Hà ăn, cô thì nhắm mắt nhắm mũi nuốt thìa cháo đưa lên miệng. Còn Hải Yến, lịch thi lại của cô luôn tăng theo chiều tỉ lệ thuận cùng với sắc đẹp. Gầy đi một tí, mặc đồ model vừa vặn hơn một tí thì cô cũng nhận được tin thi lại đều đặn hơn trước.
Đâu đó trong những giờ thể dục, học quân sự..., số lượng SV nữ đột nhiên lăn đùng ra xỉu không phải là hiếm. Học giáo dục quốc phòng vào những tháng hè nắng nóng, cộng với lịch học sít sao, vậy là số lượng nữ SV vào phòng y tế cứ tăng dần. Có câu chuyện vui là chàng "xê trưởng" của một đại đội toàn nữ bỗng trở nên nổi tiếng khắp cả trường sau buổi trưa ôm trong tay cả 5 đồng đội nữ vào phòng y tế. Ấy là còn may mắn chán so với những ngành đặc thù chỉ có nữ. Mỗi lần có người xỉu thì thầy chỉ còn nước cho lớp nghỉ mà lo cho những bóng hồng.
Nhiều SV lớp ĐHDL không nhịn được cười khi chứng kiến MT sợ mập. T quyết định nhịn ăn buổi sáng, nhưng đến trưa chịu không nổi lại ăn gấp hai bình thường. Ăn xong lại lo mập, T liền "bay" vào WC móc họng ói ra bằng hết. Cứ thế vòng xoay nhịn ăn... ăn nhiều... ói luôn tiếp diễn cho đến ngày T nhập viện vì đau... bao tử.
Theo Sinh Viên VN
▪ Ăn đêm gây khó ngủ và béo phì: Vì sao? (22/04/2005)
▪ Hãi hùng... làm đẹp! (23/04/2005)
▪ Đoán bệnh trẻ qua giấc ngủ (23/04/2005)
▪ Tế bào gốc chưa chắc đã an toàn (23/04/2005)
▪ Ăn một con gà nướng... bằng hút 60 điếu thuốc lá (21/04/2005)
▪ Dự đoán bệnh béo phì từ 1 tuần tuổi (21/04/2005)
▪ Cứu sống một bệnh nhi đa chấn thương nặng (21/04/2005)
▪ Làm thế nào để hiến máu nhân đạo? (21/04/2005)
▪ Vai trò dinh dưỡng trong lao động trí óc ở học sinh (21/04/2005)
▪ Chocolate có khả năng ngăn ngừa ung thư (21/04/2005)