Thói quen tai hại khi nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Các Website khác - 19/06/2005
Không tự ý mua thuốc uống khi có bệnh.

Hơi sốt vội uống thuốc hạ sốt. Ho liền mua thuốc giảm ho. Bị đờm lập tức hạ đờm. Trẻ nhỏ thì được ủ quá kỹ, kiêng cữ đủ thứ khi bị cảm cúm và lạm dụng kháng sinh trong điều trị. Đó được xem là những thói quen tai hại mà mọi người thường mắc phải.

Bác sĩ Đặng Huỳnh Yến chủ nhiệm chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp - Bệnh viện nhi đồng II TP HCM, cho biết, những thói quen này đã tiếp tay cho siêu vi trùng có điều kiện phát triển.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại các nước đang phát triển mỗi năm có đến 170 triệu người bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Có 11-20 triệu ca chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng. Và 4 triệu trong số này bị tử vong. Riêng ở Việt Nam mỗi năm số người tử vong vì viêm phổi là 30.000 người. Ở thành phố càng có mật độ dân cư dày đặc, khói bụi ô nhiễm càng trầm trọng thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng cao.

Theo bác sĩ Yến, khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp các siêu vi, vi trùng trong phế quản tiết ra các chất dịch nhầy để chuẩn bị cho quá trình ủ và phát triển bệnh. Do đó ho là một phản ứng cần thiết của cơ thể giúp tống chất nhầy trong phế quản ra ngoài. Nếu không ho được những chất tiết và đàm sẽ lưu cữu trong phế quản, lâu ngày gây tắc nghẽn trở thành môi trường tốt cho vi trùng phát triển.

Việc dùng thuốc hạ đờm hay long đờm cũng có tác dụng tương tự. Nếu trẻ sốt đến 38,5 độ C mới nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt thích hợp. Uống thuốc kháng sinh trong trường hợp này không có tác dụng với siêu vi trùng mà chỉ làm cho vi trùng nhờn thuốc, kháng thuốc sau đó. Ủ trẻ quá kỹ một cách không cần thiết làm trẻ khó ngủ và thêm phần nóng sốt. Kiêng cữ không cần thiết làm trẻ không được bổ sung đủ các vi chất dinh dưỡng để chống lại bệnh.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp được định nghĩa là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trong thời gian dưới 30 ngày, thể hiện qua các triệu chứng nóng sốt, ho, sổ mũi, thở nhanh và khó thở. Theo các nghiên cứu, 70% bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp cấp là do siêu vi trùng gây ra. Đối với bệnh này, chủng ngừa sẽ có tác dụng trong một tháng nhưng hiệu quả không cao. Vì thế bác sĩ Yến nhận định không thể phòng ngừa các bệnh hô hấp cấp. Ở giai đoạn đầu đối với người lớn lẫn trẻ em đều không cần kháng sinh. Với sự chăm sóc đúng bằng những biện pháp đơn giản, một người khỏe mạnh sẽ khỏi bệnh sau 7 ngày.

Trước hết là phải dùng thuốc an toàn cho trẻ tức chỉ nên cho trẻ uống thuốc làm dịu cổ họng mà không làm mất phản xạ ho của trẻ, chẳng hạn sirô Artex, sirô Pectol, hoặc dùng một vài bài thuốc dân gian như hấp cách thủy gừng quất và mật ong... Nếu trẻ bị chảy mũi hoặc nghẹt mũi nên làm thông thoáng mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối nhiều lần trong ngày và dùng giấy mềm lau sạch hai bên hốc mũi. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc ức chế. Chỉ nên giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc quần, áo, mang giày, tất và nên để trẻ nơi thoáng khí. Uống nhiều nước lọc hoặc nước hoa quả để làm loãng đàm, khi ho sẽ tống xuất ra ngoài dễ hơn. Vệ sinh cá nhân tốt bằng cách tắm nước ấm trong phòng kín gió hằng ngày. Giữ ấm cơ thể một cách bình thường. Phơi nắng sáng và vỗ lưng thường xuyên mỗi ngày ít nhất 5 phút. Mỗi phút vỗ 30 lần để làm đờm ở phế quản bị tống ra nhanh hơn.

Chú ý những đặc điểm sau khi bệnh đang chuyển sang giai đoạn nặng hơn: Đối với trẻ thì sẽ thấy trẻ mệt hơn, bú kém, không uống được, thở nhanh, ngủ li bì, thở co lõm lồng ngực. Xác định trẻ thở nhanh bằng cách đếm, đối với trẻ dưới hai tháng tuổi là 60 lần/1 phút. Từ 2 đến 12 tháng là 50 lần/1 phút. Từ 1 đến 5 tuổi là 40 lần/1 phút. Lúc này cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ chuẩn đoán đúng bệnh, điều trị bằng kháng sinh đúng, đủ và liên tục.

Mỹ Lan