Muốn chống cúm A phải kiểm soát được dịch gia cầm
Các Website khác - 18/06/2005

Theo ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Y tế dự phóng, hiện tượng bệnh nhân H5N1 vẫn xuất hiện ồ ạt giữa mùa hè, là do dịch cúm ở gia cầm chưa được khống chế tốt. Thực tế cho thấy, rải rác vẫn có gà chết dịch và những người nhiễm bệnh đều liên quan đến các ổ dịch này.

Bệnh nhân cúm A đang điều trị tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.
Ảnh: Anh Tuấn

Ông Huấn cho biết, từ trước đến nay, khi cúm gia cầm xuất hiện, dịch bệnh ở người cũng sẽ đến tiếp sau đó; hoặc nhờ có bệnh nhân H5N1 mà người ta tìm ra các ổ dịch gia cầm. Khi cúm gia cầm được kiểm soát tốt, tình hình cúm A cũng lắng xuống. Điều này chứng tỏ cúm A luôn có bạn đồng hành là cúm gia cầm, và khống chế cúm gia cầm là một điều kiện quan trọng để phòng chống H5N1 trên người.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kể từ ngày 1/4 đến nay, trên cả nước không còn ổ dịch cúm gia cầm nào. Tuy nhiên, ngành y tế cho rằng điều đó không có nghĩa là gia cầm nhiễm H5N1 đã hoàn toàn vắng bóng. Tiến sĩ Phạm Ngọc Đính, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói: "Rải rác ở các địa phương vẫn có một vài con chết, vì quy mô quá nhỏ nên cơ quan thú y không coi là ổ dịch. Tuy nhiên, chỉ cần một vài con gà vịt bị bệnh thôi là đã có thể truyền virus cho người. Và thực tế đã xảy ra như vậy".

Ông Huấn cho biết, gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đốc thúc việc tăng cường vệ sinh môi trường để phòng chống cúm tại tất cả các tỉnh. Tuy nhiên đến nay vẫn có nhiều nơi thực hiện chưa triệt để việc này. Về phía người nông dân, khi có gia cầm chết, nhiều người không biết là có thể gà bị cúm H5N1, hoặc biết nhưng tiếc của nên vẫn bán hoặc ăn.

Theo ông Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc người chăn nuôi gia cầm vẫn mù mờ về các kiến thức phòng chống cúm là một hiện thực rất khó chấp nhận: "Nếu đến năm sau, người nuôi gia cầm vẫn lý giải những sai sót của họ trong phòng dịch là do thiếu hiểu biết thì thật là không ổn; vì đã trải qua 3 mùa dịch rồi. Các cơ quan, các ngành cần có cam kết về việc truyền thông cho nhân dân".

Ông Trịnh Quân Huấn cho rằng, quy mô chăn nuôi ở Việt Nam rất nhỏ, chủ yếu ở hộ gia đình. Vì vậy việc tuyên truyền cần phải tới được từng gia đình một. Điều này, ngành y tế và nông nghiệp khó xuể mà cần có sự tham gia tích cực của chính quyền cấp xã, phường, tổ dân phố.

Việc một bác sĩ từng lấy bệnh phẩm cho người mắc cúm A cũng bị nhiễm H5N1 mới đây một lần nữa lại dấy lên sự nghi ngờ về khả năng virus lây từ người sang người. Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ dịch vẫn phát triển vào mùa hè là do H5N1 sau một thời gian xâm nhập cơ thể người đã thích nghi dần và biến đổi trở nên dễ lây lan hơn. Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện chưa thể đưa ra kết luận là virus cúm A có lây từ người sang người hay không và biến đổi như thế nào vì còn phải tiếp tục nghiên cứu. Còn ông Trịnh Quân Huấn khẳng định, chưa hề có bằng chứng nào cho thấy H5N1 lây từ người sang người. Việc vịbác sĩ nhiễm bệnh có thể do tiếp xúc với bệnh phẩm, hoặc có liên quan đến gia cầm bệnh. Trước nay vẫn có một số bệnh nhân khai là không hề tiếp xúc với gà vịt, nhưng kết quả điều tra lại (hoặc chính họ nhớ ra) là có.

4 biện pháp phòng chống cúm A

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống được đặt lên hàng đầu: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh, sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng hằng ngày.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, người và súc vật mắc bệnh: Phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo khi cần tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc. Những người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng cúm cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể: Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên súc vật cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như phòng bệnh chống dịch SARS.

Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Thanh Nhàn