Thời tiết chuyển mùa bất lợi cho người có bệnh mạn tính
Các Website khác - 23/04/2005

Những biến đổi đột ngột của thời tiết và các yếu tố khí tượng có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là những người có bệnh mạn tính. Muốn thích nghi tốt, cần tăng sức đề kháng bằng cách tập thể thao, tập dưỡng sinh, ăn uống hợp lý để cơ thể đáp ứng tích cực với biến động của thời tiết.

Trong thời kỳ chuyển mùa, các yếu tố cấu thành thời tiết thường có biến động lớn, đột ngột, khiến nhiều người ngã bệnh. Y học hiện đại đã chứng minh sự thay đổi thời tiết đột ngột có thể kích thích hàng loạt người, gây những ảnh hưởng đặc biệt đến sự tuần hoàn máu ở não, biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, nhức xương… Với những bệnh nhân bị bệnh mạn tính thì tình trạng bệnh sẽ tăng lên.

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày áp suất không khí chỉ dao động khoảng 3-5 mmHg và phần lớn chúng ta có khả năng tự điều chỉnh, không bị các biểu hiện bứt rứt, khó chịu. Nhưng vào những ngày chuyển mùa, thời tiết thường có những biến động đột xuất, áp suất khí quyển đang ở mức thấp (cực tiểu) đột ngột tăng lên đến mức cực đại, dao động này có thể lên tới gần 15 mmHg, sau đó lại giảm khá đột ngột. Nhiệt độ và độ ẩm không khí cũng có biến động đáng kể, hệ số nhiệt-ẩm tăng giảm bất ngờ, gây hiệu ứng xấu đối với cơ thể.

Người ta nhận thấy các ca ho ra máu, viêm tắc tĩnh mạch, nhồi máu phổi và cơ tim... thường xảy ra khi áp suất không khí thay đổi đột ngột. Các trường hợp nghẽn động mạch vành tim hay xuất hiện vào thời kỳ lạnh nhất trong năm. Bệnh cao huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não... hay xảy ra nhất vào dịp chuyển mùa thu đông, khi áp lực không khí thay đổi đột ngột.

Vào thời kỳ chuyển tiếp từ đông-xuân sang hè, thời tiết ở các tỉnh miền Bắc rất khó chịu và các bệnh mạn tính dễ khởi phát hành hạ người bệnh. Thời kỳ này, nhiệt độ và độ ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh, các côn trùng trung gian truyền bệnh cũng phát triển mạnh. Chính vì vậy, ở miền Bắc, giai đoạn chuyển tiếp từ đông xuân sang hè là thời kỳ có tỷ lệ bệnh tật cao nhất trong năm.

Sự thay đổi khí hậu, thời tiết có thể làm cơ thể dễ mắc bệnh, nhưng con người cũng có khả năng chịu đựng, chủ động chống đỡ và dần dần thích nghi. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, có biến động thời tiết, cơ thể con người phải chấp nhận thử thách, nếu chịu đựng được thì sẽ vượt qua, để sau đó các chức năng sinh lý ngày càng linh hoạt, nâng cao tính thích nghi đối với sự biến động thời tiết.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)