Mẫu thuốc chống co thắt Spasmavrine giả (trên) |
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất và dán nhãn dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo về nguồn gốc và lai lịch sản phẩm. Điều này có thể xảy ra đối với cả biệt dược lẫn thuốc generic, các sản phẩm giả mạo có thể có dược chất đúng, dược chất sai hoặc không có dược chất, không đủ dược chất hoặc bao gói giả mạo.
Thuốc giả: Nguy hiểm cho sức khỏe con người
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì người bệnh... lãnh đủ, từ thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc ở bệnh nhân sốt rét, lao phổi và AIDS, thậm chí là tử vong.
|
Tại khóa tập huấn phát hiện và điều tra phòng chống thuốc giả trong tháng qua ở TPHCM, Richard W.O.Jahnke, chuyên gia sức khỏe người Đức, cho biết nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10! Theo ông Richard, trong những năm gần đây trên khắp thế giới có thể có hàng ngàn ca tử vong vì thuốc giả mà không được ghi nhận và báo cáo.
Ở nước ta, cho đến nay hầu như chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do dùng thuốc giả, tuy nhiên một vài vụ thuốc giả phát hiện tại TPHCM đang khiến nhiều người lo ngại. Tháng qua, Công ty Aventis thông báo cho biết trên thị trường đang lưu hành mặt hàng thuốc Spasmavérine viên nén 40 mg giả không phải do công ty sản xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy thuốc không đạt tiêu chuẩn hàm lượng hoạt chất. Đáng lưu ý đây là loại thuốc được nhiều người sử dụng để trị co thắt và đau đường tiêu hóa, vùng tiết niệu, sinh dục (đau bụng kinh, đau đẻ).
Trước đó, tháng 7-2004, Aventis cũng phát hiện viên Théralène 5 mg không đạt hàm lượng, số lô 140801, hạn dùng tháng 8-2006, nhưng lô hàng này công ty đã không còn phân phối từ... tháng 4-2002. Đây là thuốc trị ho thường dùng cho trẻ em. Đầu năm nay, thanh tra dược Sở Y tế phát hiện một công ty dược kinh doanh thuốc Zantac 150 mg không đạt chỉ tiêu hàm lượng hoạt chất Ranitidine (chỉ có 77,6% so với hàm lượng trên nhãn). Đây là thuốc quen thuộc trị đau dạ dày.
Thuốc nhái: Gây khó cho nhà sản xuất
Mức độ nguy hiểm cho con người không bằng thuốc giả, nhưng thuốc nhái lại khiến những nhà sản xuất chân chính đau đầu. Dược sĩ Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Dược phẩm Dược liệu Pharmedic, cho biết trong số 10 mặt hàng bán chạy nhất của công ty thì có đến 6 mặt hàng bị nơi khác nhái.
Chẳng hạn Gynofar, loại thuốc rửa vệ sinh phụ nữ, thì có 15 mặt hàng nhái, nhái từ tên gọi (luôn bắt đầu bằng tên Gyno!) đến kiểu dáng chai. Mới đây, Pharmedic còn phát hiện mặt hàng thuốc tra mắt, nhỏ mũi Natri Clorid của mình bị một xí nghiệp dược phẩm tận Hà Nội nhái trắng trợn, gần như lấy nguyên xi “hình thức” và “nội dung” sản phẩm của Pharmedic, chỉ đổi tên nhà sản xuất! Do điều này mà doanh thu của công ty tại các tỉnh phía Bắc giảm đến 50%.
Không chỉ nhái thuốc trong nước, nhiều nhà sản xuất VN còn nhái thuốc nước ngoài. Vừa qua, Thanh tra Dược Sở Y tế TPHCM phát hiện mặt hàng thuốc bổ do một xí nghiệp sản xuất, ngoài việc không có đủ hàm lượng hoạt chất vitamin B5, B6, PP như đăng ký, thuốc này còn vi phạm về kiểu dáng khi làm viên bao có màu sắc và kiểu dáng tương tự loại thuốc 3B nổi tiếng của hãng Roche (Thụy Sĩ). Dược sĩ Trần Văn Nhiều, một chuyên gia cựu trong lĩnh vực dược, cho biết các sản phẩm nhái là rào cản cho sự hội nhập kinh tế thế giới của VN, bởi nhà sản xuất nước ngoài nào cũng lo ngại việc sản phẩm của mình mất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư nghiên cứu lại bị ngang nhiên “ăn cắp”.
Theo Người Lao Động
-------------------------
Vì sao các nước đang phát triển chưa kiểm soát được thuốc giả?
1. Cam kết và các ủng hộ về mặt chính trị còn yếu, các chính trị gia chưa thực sự nhận thức đủ về trách nhiệm phải quản lý thuốc.
2. Luật xây dựng chưa thích hợp, hình phạt cho các tội hình sự liên quan đến thuốc còn nhẹ.
3. Nguồn nhân lực và tài chính chưa thích hợp cả về số lượng, trình độ và kỹ năng chuyên môn.
4. Khả năng thực thi luật còn kém, chưa có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về dược với các cơ quan thực thi pháp luật khác.
5. Người dân chưa được biết hết về các quyền mà họ được hưởng, do đó chưa có thói quen khiếu nại và kiện tụng.
Nguồn: Cục Quản lý Dược VN
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Thuốc lắc... đằng sau những cơn hưng phấn (13/12/2004)
▪ Ung thư giáp dễ chữa khỏi nếu được phát hiện sớm (13/12/2004)
▪ Đau đầu gia tăng nguy cơ đột quỵ (13/12/2004)
▪ Nhiều quảng cáo chữa bệnh không hề được kiểm định (13/12/2004)
▪ Hà Nội đổ xô đi tiêm vacxin phòng cúm (13/12/2004)
▪ Xuất hiện dịch quai bị ở Bắc Giang (13/12/2004)
▪ Hít nước muối ngăn ngừa virus cúm và SARS lây lan (13/12/2004)