Dịch tiêu chảy đang bùng phát
Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư khẳng định: Năm nay, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện do tiêu chảy cấp tăng cao hơn so với mùa dịch thu đông năm ngoái, nhưng không có nghĩa là dịch tiêu chảy đang bùng phát ở mức bất thường. Nhìn chung, từ gần 1 tháng nay, tỷ lệ bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy phải nhập viện vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, ngược lại càng đông thêm. Trung bình mỗi ngày, BV Nhi T.Ư tiếp nhận khoảng hơn 1.000 ca khám bệnh, thì đã có tới 50-60 bệnh nhi phải nhập viện vào khoa Tiêu hoá do bị tiêu chảy nặng. Trong nhiều tuần gần đây, khoa Tiêu hoá của BV chỉ có 40 giường bệnh, nhưng phải tải tới 200, thậm chí có đợt lên tới 250 bệnh nhân. Một số bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá cho biết: Số ca bệnh nhi nhập viện do tiêu chảy cấp sẽ chưa giảm xuống vì từ nay đến tháng 2 năm sau đang là thời điểm "đỉnh cao" của chu kỳ dịch tiêu chảy cấp.
Nguyên nhân gây dịch bệnh tiêu chảy mùa thu đông năm nay là do Rotavirus. Hầu hết các bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng mất nước, do biểu hiện lâm sàng của bệnh tiêu chảy do virus không giống bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, nên hầu hết bệnh nhi chỉ được đưa đến viện khi đã trong tình trạng mất nước, nhiều bệnh nhi bị suy kiệt. Khi bị nhiễm virus, cơ thể bệnh nhi không xuất hiện triệu chứng tiêu chảy ngay, mà triệu chứng ban đầu thường là sốt, viêm mũi - họng, nôn, biếng ăn..., sau vài ngày xuất hiện hiện tượng tiêu chảy, phân toàn nước nhưng không có mũi nhầy, trẻ đi ngoài liên tiếp nhiều lần trong ngày, mùi phân rất tanh như mùi trứng thối. Trong khi đó, bệnh tiêu chảy do vi khuẩn thường khiến bệnh nhi đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng phân có chất dịch nhầy và đặc hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh, Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong vài năm gần đây, số lượng bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus chiếm tỷ lệ khá cao. Chu kỳ bệnh thường xuất hiện vào mùa thu đông. Bà Khánh Dung cũng khẳng định: Mùa thu đông 2004-2005, tỷ lệ bệnh nhi bị tiêu chảy cấp do Rotavirus nhập BV Nhi T.Ư cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây chưa phải là dấu hiệu dịch bệnh bùng phát bất thường mà do người dân quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ của con cái hơn. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chưa tin tưởng vào khả năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu của các cơ sở y tế tuyến dưới, dẫn đến tình trạng tất cả các ca bệnh dù nặng dù nhẹ đều đưa thẳng lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải không đáng có.
Cần tránh những sai lầm khi điều trị bệnh tiêu chảy do virus
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiêu chảy do virus không thể điều trị bằng kháng sinh, do đó cách điều trị đúng duy nhất là bù nước và chất điện giải. Khi thấy trẻ đi ngoài liên tục, cần cho trẻ uống dung dịch oserol để phòng mất nước. Việc uống oserol cần được thực hiện theo đúng cách: Cho trẻ uống từ từ từng thìa nhỏ, trung bình mỗi phút cho uống khoảng 1 thìa canh chia thành nhiều lần. Nếu uống liên tục, thành ruột không kịp hấp thụ sẽ khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Nhiều bà mẹ đã không nắm rõ nguyên tắc này, đã cho trẻ uống một lượng oserol lớn trong cùng một thời điểm, lập tức hiện tượng đi ngoài lại dữ dội hơn, càng đi ngoài nhiều hơn, hiện tượng mất nước càng trầm trọng và trẻ bị rơi vào vòng luẩn quẩn: Mất nước - bù nước - mất nước... khiến trẻ bị suy kiệt rất nhanh.
Một trong những sai lầm của các phụ huynh là lập tức cho uống thuốc "cầm" khi thấy trẻ bị tiêu chảy mà không tìm hiểu nguyên nhân gây tiêu chảy. BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cảnh báo: Đây là cách điều trị hết sức sai lầm, vì hiện tượng tiêu chảy thực chất là phản xạ tự nhiên của cơ thể để đẩy các virus, vi khuẩn ra ngoài thông qua việc tăng nhu động ruột để huy động nước trong cơ thể. Hiện tượng tiêu chảy có một ưu điểm ít được các bà mẹ biết đến là sẽ tống hết các độc tố ra ngoài. Tuy nhiên, do nước trong cơ thể được huy động, nên hiện tượng tiêu chảy càng nặng thì khả năng cơ thể mất nước càng nhanh và nặng. Do đó, nếu cơ thể được bù nước đầy đủ thông qua đường uống hoặc truyền, thì khả năng hồi phục của trẻ sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, trong quá trình bị tiêu chảy, sức khoẻ của trẻ bị giảm sút nên các phụ huynh cần lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cơ thể, quần áo, tã lót cho trẻ... để tránh tình trạng bội nhiễm do nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác. Khi trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc không được tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy (kể cả các loại lá ổi, quả hồng xiêm xanh theo biện pháp dân gian), tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh vì bệnh tiêu chảy do virus không thể điều trị bằng kháng sinh, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
|