Trẻ sơ sinh bị bỏng do ủ ấm
Các Website khác - 12/01/2005
Bé Phương với khuôn mặt bị bỏng.

Thấy bếp than cạnh giường gần tàn, anh Hùng (Sóc Trăng) lấy chai dầu chế thêm vào. Ngay lập tức, ngọn lửa bùng to, làm cháy màn, gây bỏng cho người vợ và đứa con 29 ngày tuổi đang ngủ. Chuyện xảy ra tối 8/1.

Cháu bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM chiều 10/1. Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Bỏng cho biết tuy cháu Phương (tên con anh Hùng) chỉ bị bỏng 4% diện tích da nhưng đó lại là vùng mặt - phần quan trọng của trẻ sơ sinh. Sắp tới, bé sẽ được ghép da tự thân. Đây là phương pháp điều trị bắt buộc vì việc để lâu có thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong. Ghép da trên trẻ sơ sinh là một phẫu thuật rất khó khăn vì da của trẻ rất mỏng, diện tích da để ghép không nhiều.

Trước đó, vào ngày 31/12/2004, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp bỏng do ủ ấm. Đó là bé Hà Nam, 27 ngày tuổi, do sinh non tháng nên chỉ nặng 1,2 kg vào thời điểm nhập viện. Bé bị bỏng do chai đựng nước nóng để ủ ấm đặt cạnh người đổ ra, và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp kèm theo những cơn ngưng thở. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức sơ sinh đặc biệt để chăm sóc, đến nay tình trạng sức khỏe đã có những chuyển biến tốt.

Bác sĩ Tường cho biết, vào dịp cuối năm, số trẻ được sinh ra nhiều hơn, trời lại rét nên các ca bỏng do ủ ấm rất dễ xảy ra, thường do nằm than hoặc nước sôi. Da trẻ sơ sinh rất mỏng, chỉ cần hơi nóng cũng có thể gây bỏng. Trong khi đó, người mẹ nằm trong chăn không cảm nhận được mức độ nóng nên không biết con mình đang gặp tai họa.

Bỏng ở trẻ sơ sinh dù mức độ nào cũng được xem là nguy hiểm vì da trẻ mỏng, sức đề kháng kém, cơ thể chưa ổn định... Ngoài ra, bỏng sẽ làm trẻ biếng ăn, dinh dưỡng kém và kèm theo các biến chứng khác. Bỏng sơ sinh thường kèm theo sốc, mất dịch, nặng hơn là sốc nhiễm trùng. Việc cấp cứu muộn hoặc không đúng cách có thễ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, suy thận hoặc tử vong. Di chứng của bỏng cũng rất nguy hiểm; đã có không ít trẻ bị tháo ngón tay hoặc ngón chân do bộ phận này bị hoại tử. Ngay cả khi vết bỏng nhỏ và được điều trị khỏi cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ.

Vì vậy, theo bác sĩ Hoàng Văn Thành thuộc khoa Bỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc sơ cứu đối với những trường hợp trên rất quan trọng; nếu làm không đúng thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Không ít trẻ đã nhập viện sau khi được người nhà đắp bùn hoặc giấm lên vết phỏng; trong khi cách làm đúng là nhúng vùng tổn thương vào nước lạnh, sau đó đưa đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

(Theo Người Lao Động)

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.