Tử cung gập sau
Các Website khác - 09/01/2005

"Tôi hay bị đau vùng thắt lưng và mông, đi khám phụ khoa được bác sĩ chẩn đoán là tử cung gập sau. Xin cho biết có phải đây là nguyên nhân gây hiếm muộn, đau khi quan hệ tình dục và làm xung huyết vùng tiểu khung không?".

Trả lời:

Mỗi phụ nữ có một tư thế tử cung nhất định. Trong đó, tư thế tử cung gập trước (ngả về phía bàng quang) chiếm tỷ lệ 2/3. Tử cung gập sau cũng là tư thế bình thường. Tuy nhiên, tình trạng có thai, bị lạc nội mạc tử cung, viêm tiểu khung, u xơ tử cung, phẫu thuật và tuổi tác có thể làm thay đổi độ gấp của tử cung. Một số phụ nữ có tử cung gập sau cảm thấy khó chịu khi quan hệ tình dục, khi vùng sâu của âm đạo bị đụng chạm mạnh sẽ tạo áp lực lên trực tràng và các dây chằng của xương cùng. Với những trường hợp này, việc thay đổi tư thế tình dục hoặc giảm độ mạnh khi quan hệ có thể sẽ giúp bớt đau.

Nếu vẫn đau nhiều khi quan hệ tình dục và khi hành kinh, bạn cần đến khám ở bác sĩ phụ khoa để xem có bị lạc nội mạc tử cung hay viêm tiểu khung hay không; vì 2 bệnh này có thể đi kèm với tử cung ngả sau. Hiếm muộn không liên quan gì đến tư thế tử cung gập sau. Tuy nhiên, nếu lạc nội mạc tử cung hay viêm tiểu khung xảy ra ở người có tử cung gập sau thì việc thụ thai có thể khó khăn hơn, vì những bệnh này gây ra mô sẹo, cản trở trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ thai. Không thể biết điều gì sẽ xảy ra với trường hợp tử cung gập sau và chỉ cần theo dõi.

Xung huyết vùng tiểu khung có thể xảy ra trong trường hợp có hưng phấn tình dục, khi tăng lưu lượng máu đến âm hộ, âm đạo. Kiểu xung huyết này là bình thường và chỉ mang tính tạm thời, sẽ qua đi sau khi đã có khoái cực. Phụ nữ nào không có khoái cực thì trạng thái xung huyết vùng tiểu khung giảm chậm hơn. Xung huyết tiểu khung có thể kèm các triệu chứng khó chịu, thậm chí đau vùng tiểu khung không rõ nguyên nhân, hay xảy ra ở phụ nữ sắp mãn kinh. Đây không phải là bệnh mà là một trạng thái xảy ra trước khi có kinh. Ngoài ra, xung huyết tiểu khing còn có nhiều biểu hiện đa dạng khác, chẳng hạn cảm thấy khó chịu hoặc đau vùng tiểu khung, kể từ cơ cho đến các dây chằng, tử cung, vòi trứng, âm hộ, âm đạo...; đau nhiều hơn ở vùng bụng dưới, vùng thắt lưng khi hành kinh, có thể kèm với hội chứng tiền kinh (cảm giác nặng nề bụng dưới, thay đổi tính khí...). Cũng có khi đau thường xuyên, đau khi đứng hay khi quan hệ tình dục, làm cho chuyện tình dục trở nên khó chịu hoặc không thể thực hiện.

Thuật ngữ “xung huyết tiểu khung” đôi khi bị lạm dụng để chỉ những triệu chứng tiểu khung không rõ nguyên nhân hay những nguyên nhân gây bệnh phụ khoa chưa chẩn đoán ra. Chỉ nên gọi là xung huyết tiểu khung sau khi đã loại trừ các bệnh như lạc nội mạc tử cung, bệnh nhiễm khuẩn ở tử cung, bất thường ở tử cung/vòi trứng. Chỉ những bác sĩ phụ khoa có kinh nghiệm mới có thể xác định được điều này.

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống