Tật khúc xạ ở trẻ
Các Website khác - 08/01/2005
Trẻ mắc tật khúc xạ ở mắt ngày càng nhiều. Khi trẻ có một số triệu chứng như nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa, dụi mắt nhiều, sợ ánh sáng... thì cần đưa đến khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho biết: qua khảo sát gần 3.500 HS (lớp 1, 6 và 10) tại 29 trường học, phát hiện hơn 25% HS bị tật khúc xạ (cận, loạn, viễn thị) cần đeo kính. Thế nhưng, trong số đó, hơn 70% không đeo kính, số còn lại có đeo kính nhưng hơn 30% đeo kính không đúng độ!

Bác sĩ Thái Xuân Đào (Chuyên khoa Mắt, Trung tâm Y tế Quận 10) cảnh báo về hiện tượng ngày càng nhiều trẻ bị tật khúc xạ nhưng cha mẹ phát hiện và đưa đến bác sĩ quá trễ, khi bệnh đã khá nặng.

Nếu thấy trẻ có một trong những hiện tượng "báo động" sau đây: nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi xem ti-vi nhìn một vật ở xa; thường dụi mắt dù không buồn ngủ; sợ ánh sáng hoặc dễ bị chói mắt; bé hay than mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt; nhắm một mắt khi đọc hoặc xem ti-vi; thường không thích các hoạt động liên quan tới thị giác gần như vẽ hình tô mầu, tập đọc, hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng; đọc chữ hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc... thì các bậc cha, mẹ cần đưa con đi khám mắt ngay lập tức, vì có thể bé đã bị mắc tật khúc xạ.

Qua thực tế bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt, bác sĩ Phương Thu rất lo lắng trước những quan niệm sai lầm của cả phụ huynh lẫn các bé mắc tật khúc xạ. Đã có rất nhiều trường hợp (nhất là bé gái) không chịu đeo kính, vì sợ xấu. Lại có nhiều phụ huynh truyền miệng nhau quan niệm mới: Cho con đeo kính nhẹ hơn hoặc nặng hơn độ mắc phải thì mới tốt cho mắt. Hoặc cũng có nhiều người cho rằng khi bị tật khúc xạ thì không nên đeo kính, như vậy mắt sẽ chậm lên độ hoặc không lên độ nữa.

Thật ra, tật khúc xạ cần được phát hiện sớm để đeo kính đúng và sớm, tránh nhược thị cho trẻ (nhược thị là tình trạng mắt không nhìn rõ mặc dù không có bệnh lý gì, khi đã được đeo kính đúng). Trẻ bị tật khúc xạ nặng, đeo kính đúng, đeo sớm và thường xuyên, giúp cho thị giác của trẻ phát triển và hoạt động trí não cũng phát triển bình thường (80% lượng thông tin mà não thu nhận được thông qua bộ máy thị giác).

Với những bất đồng khúc xạ lớn (khác biệt độ giữa hai mắt) cũng cần được đeo kính thường xuyên. Trẻ bị loạn thị mà đeo kính thường xuyên sẽ giúp mắt nhìn rõ, đỡ mỏi mệt (vì mắt loạn thị luôn điều tiết chống lại tình trạng này, gây mệt mỏi, nhức đầu), nhất là các công việc cần nhìn gần. Các tật khúc xạ nặng, kèm theo lé cũng được bác sĩ và chuyên viên khuyên nên đeo kính thường xuyên vì không những điều chỉnh được tật khúc xạ mà cả lé nữa. Trẻ em bị tật khúc xạ nên tái khám mỗi 6 tháng/một lần (là khoảng thời gian đủ để có những thay đổi đáng kể về mắt để thay đổi kính).

Theo bác sĩ Phương Thu, nguyên tắc đeo kính trong tật khúc xạ là cố gắng đạt thị lực tối đa 10/10. Vì vậy, bị tật khúc xạ mà không đeo kính sẽ làm tăng độ. Cũng không được đeo kính nhẹ hơn hoặc nặng hơn độ thật!

Hiện nay, tật khúc xạ được điều chỉnh bằng nhiều cách. Bác sĩ Xuân Đào đã đưa ra phương pháp chọn lựa, như đeo kính gọng hoặc kính áp tròng (contact lens).Tuy nhiên, việc đeo kính chỉ giúp thấy rõ, thoải mái chứ không làm cho tật khúc xạ biến mất được, gỡ kính ra thì vẫn thấy mờ. Người ta thường nói "đeo kính thuốc" thật ra đó là đeo kính gọng, trong kính không thể tiết ra loại thuốc nào làm giảm tật khúc xạ. Do đó, hiện nay có thêm một phương pháp điều trị tật khúc xạ (làm giảm hoặc mất tật khúc xạ) bằng phương pháp mổ laser excimer, áp dụng cho tật khúc xạ trung bình trở lên và ở người trên 18 tuổi.

Theo bác sĩ Phương Thu, đối với trẻ bình thường hoặc đã mắc tật khúc xạ, cha, mẹ cần phối hợp giúp đỡ con giữ khoảng cách thích hợp khi đọc sách, đọc bài, làm bài. Cụ thể: nên có bàn học phù hợp, thoải mái, khoảng cách từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm, ánh sáng phân bố đều và cường độ tốt, không gây lóa mắt. Ngoài sự chiếu sáng trong phòng, nên có một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuận tay phải, và ngược lại). Chữ in trong sách phải rõ ràng và giấy không quá bóng, gây mỏi mệt mắt.

Trong lớp, trẻ có tật khúc xạ cần được xếp ngồi gần bảng, vì một số bé mặc dù đã đeo kính đúng nhưng tình trạng nhược thị vẫn còn, chưa đạt được thị lực tối đa, do đó chưa nhìn thấy rõ bảng. Trẻ không làm việc bằng mắt liên tục kéo dài. Mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5 - 10 phút bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn ra xa thư giãn. Không đọc sách trong bóng tối hoặc chơi vi tính quá nhiều. Trẻ cần được điều hòa giữa công việc sách vở và giải trí ngoài trời.

Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh