![]() |
Các món "béo bổ" xuất hiện ngày càng nhiều trên bàn ăn người Việt. |
Khẩu phần ăn của người Việt Nam thay đổi mạnh mẽ trong 15 năm gần đây, theo hướng gia tăng loại thức ăn giàu năng lượng và có nguồn gốc động vật. Số người bị béo phì tăng nhanh trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng không giảm được bao nhiêu.
Giáo sư Hà Huy Khôi, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng, cho biết, trong vòng 10 năm (1990-2000) lượng thịt trong khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam đã tăng gấp đôi. Năng lượng do lipit từ 6% đã tăng lên 12%, thậm chí là 20% ở một số thành phố lớn; trong khi theo các khuyến cáo, chỉ số này không nên vượt quá 10%. Lượng đường trong khẩu phần cũng tăng gần 10 lần trong vòng một thập kỷ.
Theo giáo sư Khôi, sự thay đổi đó đã đặt Việt Nam trước "gánh nặng kép" về dinh dưỡng với sự song song tồn tại các bệnh do thiếu ăn và các bệnh mạn tính (tiểu đường, cao huyết áp, béo phì...) do ăn uống không cân đối. "Bữa ăn giàu năng lượng góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện có một nghịch lý là ở nông thôn, bữa ăn của nhiều gia đình vẫn không đủ năng lượng trong khi ở thành phố thì ngược lại, thừa năng lượng nhưng vẫn thiếu nhiều vi chất thiết yếu. Kết quả là cả người thiếu ăn lẫn người no đủ đều có vấn đề sức khỏe" - giáo sư Khôi nói.
Một nghiên cứu về khẩu phần ăn của các học sinh tiểu học Hà Nội cho thấy trẻ không có một chế độ dinh dưỡng cân đối. Các em thường được cung cấp quá nhiều protein so với nhu cầu, vượt quá mức khuyến nghị 2 lần, nhất là ở nhóm 6 tuổi và 7-9 tuổi. Lượng canxi, vitamin C và A dư thừa trong khi nhiều vi chất khác lại thiếu trầm trọng: vitamin B1, B2, PP chỉ đạt một nửa mức khuyến nghị, sắt đạt 75-85%.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy, cứ 10 em học sinh tiểu học Hà Nội thì có 1 bị thừa cân hoặc béo phì. Tình trạng này càng phổ biến hơn ở người lớn. Một nghiên cứu trên những người 30-59 tuổi tại Hà Nội cho thấy có gần 1/5 bị thừa cân.
Ông Nguyễn Công Khẩn, Giám đốc Viện Dinh dưỡng, cho biết, trước năm 1995, thừa cân không phải là vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam vì chỉ 1,5% dân số thành thị ở tình trạng này. Nhưng trong những năm sau đó, tỷ lệ thừa cân ở thành thị tăng vọt; đến 2000 đã lên đến 10%. Do không có thói quen tập thể dục nên tuy cùng một chỉ số BMI, phụ nữ Việt Nam thường có lượng mỡ cơ thể và tỷ lệ vòng bụng/vòng mông cao hơn nhiều nước khác trong khu vực. Điều này có nghĩa là họ dễ mắc tiểu đường và các bệnh lý tim mạch hơn.
"Không phải cứ đủ tiền là khỏi lo gặp các vấn đề về dinh dưỡng" - ông Khẩn kết luận - "Điều quan trọng là phải biết kiềm chế trước sức hấp dẫn của những món ăn bổ béo, tổ chức bữa ăn hợp lý, đa dạng để không thiếu hay thừa chất dinh dưỡng nào".
Thanh Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Cần tiêm văcxin Hib cho trẻ dưới 5 tuổi (10/12/2004)
▪ VN xây dựng mô hình “Bệnh viện không thuốc lá” (10/12/2004)
▪ Quí 1-2005: Bệnh viện Nhi T.Ư ghép gan cho trẻ em (10/12/2004)
▪ Đà Nẵng: can thiệp thành công một trường hợp hẹp động mạch thận (10/12/2004)
▪ Khó cấm hút thuốc trong bệnh viện (10/12/2004)
▪ Mật ong ngăn chặn được ung thư (10/12/2004)
▪ BV Nhi TW khẳng định thành công của các ca ghép thận (10/12/2004)