Y tế TP HCM sẵn sàng đối phó dịch cúm gia cầm
Các Website khác - 11/01/2005

Chiều qua, trong buổi họp khẩn với các đơn vị y tế, Giám đốc Sở y tế thành phố cam kết không để thiếu thuốc, phương tiện, vật tư hóa chất đáp ứng điều trị và dự phòng nếu dịch bùng phát. Việc tuyên truyền đến từng hộ dân, trên phương tiện thông tin đại chúng sẽ được đẩy mạnh.

Điều trị cách ly bệnh nhân dương tính H5N1 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Điều trị cách ly bệnh nhân dương tính H5N1 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khẳng định, TP HCM chưa có người nào nhiễm virus cúm gia cầm. Tuy vậy, khu vực ngoại thành có nhiều hộ gia đình nuôi gia cầm rải rác nên khó kiểm soát dịch. Điển hình là việc phát hiện, tiêu diệt ổ dịch hơn 400 con vịt dương tính với H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Tám, ngụ tại B10/47 KP5, Tân Tạo A, quận Bình Tân ngày 6/1.

Theo bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, hiện một số hộ ở phường 15 quận Tân Bình vẫn chăn thả gia cầm bên bờ kênh. Ở nhiều khu dân cư, người dân có thói quen nuôi gà đá, chim cảnh. Vì vậy, cơ quan này sẽ phối hợp với các đội y tế dự phòng, trung tâm y tế quận, huyện giám sát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ bùng phát ổ dịch kể trên, đồng thời chuẩn bị trang thiết bị, hóa chất cần thiết phòng dịch. Trung tâm cũng phối hợp lực lượng thú y kiểm tra 66 điểm giết mổ và chế biến gia cầm toàn thành phố.

Riêng 3 trung tâm điều trị bệnh nhân cúm H5N1 là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 sẽ chuẩn bị các phòng cách ly, thuốc đặc trị Tamiflu và các test để chẩn đoán sớm bệnh. Hiện test nhanh chỉ có thể xác định virus cúm A hoặc B trên cơ thể người, được trang bị nhằm định hướng chẩn đoán. Xét nghiệm PCR mới cho kết luận chính xác người bệnh có virus H5N1 hay không, thời gian thực hiện hơn 24 h/ca.

Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch xảy ra tại TP HCM chính là tuyên truyền người dân không nên ăn thịt gia cầm hoặc các chế phẩm, chỉ tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc an toàn, đã qua quy trình kiểm dịch, bày bán tại siêu thị và chợ lớn. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe cho biết sẽ tổ chức phát tờ rơi xuống các tổ dân phố, đến từng hộ gia đình, song song với thông tin qua hệ thống loa phát thanh xã, huyện. Các đường dây nóng sẽ được nhanh chóng thiết lập.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nội dung tuyên truyền là cảnh báo người dân không nên ăn gia cầm có dấu hiệu bệnh, bỏ thói quen chơi gà đá, ăn sống tiết canh, trứng. Mục đích tuyên truyền còn nhằm chuẩn bị cho dân về ý thức, tự động báo tin cho trạm y tế gần nhất trong trường hợp có dịch.

Lê Nhàn