Bão Katrina: Gần 15 nghìn người Việt chạy nạn Khoảng một nửa trong tổng số 30 nghìn người Việt ở bang Louisiana đã tới tránh bão Katrina tại thành phố Houston. Những người ở bang xa hơn như Mississippi, nơi cộng đồng ngư dân bị tàn phá nặng nề, cũng tìm đường sơ tán tới Texas. Họ được đón tiếp và trú ngụ tại các nhà thờ ở Houston hoặc nhà bạn bè, người thân.
Tại những tiệm cắt tóc ở đại lộ Bolsa thuộc Little Saigon tại quận Cam (Orange County), nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nhất trên toàn nước Mỹ, các đài đều được vặn sang kênh phát thanh tiếng Việt, đang phát các bản tin trực tiếp về tình hình của người Việt ở các bang miền nam. Nhiều báo của người Việt ở California đã điều phóng viên đến các bang đông nam.Tất cả đều nóng lòng nghe tin tức, nóng lòng tìm cách giúp đồng bào, bởi sẽ có rất nhiều người phải gây dựng lại cuộc sống sau khi trắng tay vì bão. Theo một tờ báo của người Việt ở Mỹ, có ít nhất 70 Việt kiều sống ở khu vực Buras và Empire của bang Mississippi đã chết vì bão. Đây là nơi sông Mississippi đổ ra vịnh Mexico và gần New Orleans. Khu vực này xa và sâu nên những nỗ lực cứu hộ chưa đến được, báo này cho hay. "Cả khu vực chìm trong nước. Nhà thờ cũng chìm nghỉm, chỉ còn nhìn thấy được cây thánh giá nhô lên mặt nước", tờ báo viết. Tuy nhiên con số trên chưa được kiểm chứng độc lập. Hiện chưa có thông tin chính thức về những gì xảy ra với cộng đồng người Việt ở khu vực nói trên. Hầu hết họ làm việc trong ngành thuỷ sản. Đại đức Chân Tâm và trụ trì Giác Đặng của chùa Việt Nam và Pháp Luân ở Houston, Mỹ, nhận định tình hình người Việt lánh nạn về Houston khá hơn nhiều so với các sắc dân khác. Người Việt có thói quen dành dụm, nên khi đi lánh nạn vẫn còn một số tiền trong ngân hàng, vì vậy tình hình không đến nỗi quá bi đát. Đại đức Chân Tâm của chùa Việt Nam, nơi cứu giúp các gia đình sang tị nạn, tại Houston, Texax, Mỹ, cho biết mỗi ngày chùa đón khoảng 30-40 gia đình người Việt đến nhờ giúp đỡ. Sau khi đến nghỉ ở chùa, họ tiếp tục đi đến nhà người thân. Những người không có người thân, chùa đưa họ đến các gia đình phật tử khác để nương tựa. Một số đang kiếm việc làm tại Houston vì hoạt động ở New Orleans đang ngưng trệ. Còn trụ trì Giác Đặng ở chùa Pháp Luân cho biết đến nay chùa đón khoảng 70 gia đình người Việt sang lánh nạn. Những gia đình này cũng được sắp xếp về gia đình các phật tử địa phương nếu không có thân nhân. Tuy nhiên theo đại đức Chân Tâm, vẫn có một số người Việt là chủ tàu đánh cá ở New Orleans bị trắng tay. Những người này không mua bảo hiểm cho đoàn tàu của mình nên không được bồi thường.
Trong khi đó khoảng 200 người Việt trú tại khu nhà thờ Công giáo St. Catherine, nơi sinh sống hàng ngày của 50 xơ người Việt dòng Dominican. Phòng cầu nguyện rộng mênh mông của thánh đường này lần đầu tiên trong hai mươi năm tồn tại đang vang lên tiếng chuyện trò của người lớn và tiếng cười của trẻ em. "Điều này bất thường", xơ Bernadette Nguyen nói. "Nhưng đây là cơ hội để chúng tôi phụng sự mọi người theo cách tốt nhất". Cha Dominic Luong từng ở nhà thờ của thị trấn Versailles, nơi có đông người Việt, cách New Orleans chừng 13 km về phía đông (hiện ở quận Cam) cho hay ông đã nhận 700 cuộc gọi của người Mỹ gốc Việt tìm kiếm thân nhân, nhưng ông chỉ có thể liên lạc được với một người ở New Orleans. Người này cho ông hay về tình trạng của các dân sơ tán trong nhà thờ, và sau đó ông gọi cho Lực lượng tuần duyên Mỹ đến giúp. Cha Luong cho biết khoảng 350 người đã được cứu nạn. Một thành viên ban lãnh đạo cộng đồng người Việt ở California cho hay hàng nghìn người đã gọi điện đến các đài phát thanh đề nghị được đóng góp giúp đỡ nạn nhân bão. Các tổ chức xã hội của người Việt, như Hội sinh viên Nam Cali, cũng phát động quyên góp vật chất, tiền và người tình nguyện để giúp đỡ những người đang tránh bão ở Houston và các nơi khác. (LĐĐT tổng hợp) |
▪ Tổng thống Mỹ yêu cầu chi thêm 50 tỉ USD cho cứu hộ bão (08/09/2005)
▪ Không thể cưu mang kẻ có tội (31/08/2005)
▪ Tưởng vinh mà nhục! (02/09/2005)
▪ Lựa chọn thiệt hơn (04/09/2005)
▪ Xài tiền chùa? (06/09/2005)
▪ “Đạo” để lấy hên? (08/09/2005)
▪ Tập giữ eo kiểu Mỹ (31/08/2005)
▪ Quốc hội thời kỹ thuật số (02/09/2005)
▪ Thân gần đứt làm đôi mà không chết (03/09/2005)
▪ Trẻ có 8 ngón tay (08/09/2005)