"Cá lớn" rơi vào tầm ngắm
Các Website khác - 19/03/2006
Chống tham nhũng ở Romania:
"Cá lớn" rơi vào tầm ngắm

Tham nhũng và hối lộ đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế ở Romania, phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội, từ những sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào cổng trường đại học đến các chính trị gia cao cấp. Để không lỡ hẹn với Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2007, Chính phủ Romania đang tiến hành những cải cách đầy tham vọng nhằm hạn chế tệ nạn này.

"Môn thể thao dân tộc"
Sinh viên luôn lo lắng trước các
kỳ thi.
Khi được hỏi về triển vọng gia nhập EU của Romania trong năm tới, Ion Raducu - một nông dân sống trong ngôi làng ở chân núi Carpath - tỏ ra hoài nghi: "Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng. Người Châu Âu là những người văn minh, được tổ chức tốt, trong khi ở đây đầy rẫy kẻ cướp. Chúng ở mọi nơi trong toà án, cảnh sát... và cần bị loại trừ không thương tiếc". Raducu cho biết, ông đã theo kiện trên 10 năm để đòi lại rẻo đất thuộc quyền sở hữu của gia đình mình và tin rằng sẽ không có được sự công bằng nếu không chịu đưa hối lộ.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, có tới 85% người Romania có cùng suy nghĩ như vậy. Điều đó đã gây sốc cho Tổng thống Traian Basescu, và buộc ông phải ra lời kêu gọi công chúng: "Tham nhũng đã trở thành "môn thể thao dân tộc" của chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết không đưa hối lộ cho bất cứ một cơ quan nhà nước nào trong năm tới!". Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.

Trước đây, chỉ một bao thuốc lá thơm hay một bánh xàphòng xịn có thể giúp bạn lắp được điện thoại trong vài tuần mà không phải chờ đợi hàng năm trời, hay mua được một miếng thịt ngon tại cửa hàng thực phẩm mà không phải ngậm ngùi xơi toàn xương cục. Hiện nay, thuốc lá hay xàphòng chẳng làm bạn tiến được bao xa. Nhưng tiền, rất nhiều tiền thì có thể. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), với mức lương trung bình khoảng 350USD một tháng, số tiền mà 22 triệu người Romania đút lót trong một năm để được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn lên tới gần 900.000USD...

"Những con cá lớn"
Một trong những vụ "ly kỳ" nhất liên quan đến chính trị gia nổi tiếng Adrian Nastase, người phát ngôn của Hạ nghị viện và là cựu Thủ tướng Chính phủ. Ông đã bị các thành viên chống tham nhũng triệu tập sau khi "thừa kế" một món tiền lớn (trên 1,2 triệu USD) và 3 căn hộ từ một bà cô vợ bị chết năm ngoái. Điều lạ lùng là bà cô này đã sống trong một căn hộ chật hẹp trong một khu chung cư cũ kỹ và chỉ nhận được một khoản lương hưu còm cõi.

Từng có chân trong Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản và được đào tạo trở thành luật sư, Nastase nổi tiếng về sự say mê đối với nhà cửa, săn bắn và các bức tranh siêu thực - một phong cách sống quá khác biệt với cương vị lãnh đạo Đảng Xã hội Dân chủ đối lập, đại diện cho người nghèo. Dưới sức ép của các đồng nghiệp, ông ta đã phải từ chức thủ lĩnh đảng. Một cựu bộ trưởng kinh tế, thành viên của đảng này cũng phải từ chức sau khi không thể giải thích được nguồn gốc của 8 trong số 23 bất động sản của mình.

Nhưng các thành viên chống tham nhũng không chỉ nhắm tới phe đối lập. Hiện họ đang điều tra các phi vụ đầu tư bất động sản của một trong những doanh nhân giàu nhất nước, đồng thời là thành viên nội các trong liên minh cầm quyền.

Cải cách đầy tham vọng
EU yêu cầu Bucharest phải kiên quyết hơn trong chiến dịch chống tham nhũng và phải nhắm tới "cá lớn" mà không chỉ loại "tép riu". Dường như guồng máy đã bắt đầu quay. Và người vận hành guồng máy là một cựu luật gia về quyền con người - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Monica Macovei. Theo nhận xét của một nhà ngoại giao nước ngoài thì "Bà chính là lương tâm của Chính phủ Romania".

Năm ngoái, bà đã thực hiện những thay đổi về luật pháp một cách quyết đoán khi bổ nhiệm một công tố viên đứng đầu Văn phòng Chống tham nhũng, loại bỏ sự miễn nhiễm đối với các nghị sĩ và bộ trưởng, và đòi hỏi 100.000 công chức, công tố viên và thẩm phán phải công khai tài sản của mình.

Theo bà, "đây là một trong những cải cách nhiều tham vọng nhất ở Châu Âu". Bà vấp phải sự chống đối quyết liệt từ nhiều quan chức địa phương lớn tuổi nhưng lại nhận được sự ủng hộ của các thẩm phán và uỷ viên công tố trẻ. "Tôi đang chờ đợi kết quả từ cuộc chiến chống tham nhũng - Bà nhấn mạnh - Đó là một phần hợp đồng của Romania với EU". Hoàng Giang (Theo BBC)

Tham nhũng trong các trường ĐH của Romania

Số tiền trung bình mỗi sinh viên (SV) hối lộ trong một kỳ thi
- SV y khoa: 200-1.500USD
- SV ĐH kỹ thuật: 50-500USD
- SV ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn: 200USD

Một số phương pháp hối lộ của SV:
- Mua sách của giáo viên
- Góp tiền chung để "phong bì" thầy
- Kẹp tiền vào bài thi

Ngoài ra SV còn đút lót vì những mục tiêu khác như: được ở trong ký túc xá, được học bổng... SV y khoa sẵn sàng hối lộ thầy vì họ hy vọng khi ra trường sẽ được "bù đắp" bởi tiền đút lót của bệnh nhân. (Theo Hội SV Romania)