Ông Milosevic qua đời trong trại giam của The Hague: Cái chết được báo trước
Goran Vasiljevic từ Belgrade - viết riêng cho Lao Động Ngày thứ bảy 11.3, tin tức về cái chết của ông Slobodan Milosevic nhanh chóng lan đi khắp thế giới. Cựu Tổng thống Serbia và Yugoslavia, người từng tự hào đã chỉ huy quân đội bảo vệ đất nước chống lại lực lượng quân sự lớn nhất hành tinh - Liên minh NATO, người đã bị các đối thủ chính trị "bán đứng" và dẫn độ tới Toà án The Hague, tù nhân nổi tiếng nhất trong vòng 5 năm qua của Toà án hình sự quốc tế The Hague ở Hà Lan, đã được phát hiện chết trong trại giam thọ 64 tuổi. Người ta cho rằng, việc ông Milosevic bị chết trong tù chỉ là vấn đề thời gian.  | Người dân Serbia thương tiếc ông Milosevic. | Tù nhân hấp hối" Slobodan Milosevic xuất hiện tại phiên xét xử ông cách đây vài tuần với bộ dạng mệt mỏi. Người ta có cảm giác ông đang hấp hối. Trước đó, Toà án Hình sự quốc tế The Hague đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của ông, được đưa khẩn cấp tới Bệnh viện Bakulev ở Mátxcơva để điều trị bệnh tim. Thậm chí, ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng uy tín của mình đảm bảo, đề nghị đó cũng không được chấp thuận.
"Ông ấy có thể đã chết vài giờ trước đó", một quan chức của toà án nói, sau khi người giữ ngục thông báo về tình trạng của Milosevic cho cấp trên. Theo quy tắc, tất cả các tù nhân ở trong trại giam của The Hague, đều được kiểm tra cứ 30 phút một lần. Vậy mà không hiểu sao, không ai phát hiện ra điều gì bất bình thường đối với Milosevic.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Milosevic đã chỉ trích bác sĩ của The Hague, Paulus Falke, vì ông này đã phớt lờ sự đau yếu của Milosevic, phớt lờ yêu cầu được điều trị căn bệnh tim và huyết áp cao.
Chính trị gia gây tranh cãi Slobodan Milosevic sinh tháng 8.1941 tại thị trấn nhỏ Pozarevac của người Serbia ở phía nam Belgrade. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã mất cha, sau đó là mất mẹ. Milosevic đã định hướng cho mình bằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ khi học phổ thông rồi lên đại học (chuyên ngành luật). Sau khi ra trường, Milosevic lại tham gia hoạt động kinh tế. Ông trở thành giám đốc của một trong những công ty lớn nhất Serbia, Tehnogas. Sau đó, ông lãnh đạo một ngân hàng Serbia và được cử đi làm đại diện thường trực ở Mỹ.
Ông lấy bà Mirjana Markovic, hiện giờ đang sống ở Nga và là giáo sư đại học. Ông bà có hai con, con trai Marko (đang ẩn náu ở Nga) và con gái Marija, đang sống ở Montenegro.
Slobodan Milosevic đã được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Serbia năm 1986, sau đó ông thành lập Đảng Xã hội chủ nghĩa năm 1990, và cùng năm đó trở thành Tổng thống Serbia. Năm 1997, ông được bầu làm Tổng thống của nước Cộng hoà Nam Tư (cũ). Hai năm sau, ông bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh và vi phạm nhân quyền sau vụ can thiệp của NATO, đánh bom nước Cộng hoà Nam Tư (cũ) khoảng tháng 3 - 6.1999.
Sau cuộc bầu cử tự do năm 2000, Milosevic đã chấp nhận thua cuộc trước đối thủ Vojislav Kostunica. Cuối tháng 3.2001, ông bị bắt và đưa tới nhà tù trung tâm ở Belgrade, nơi ông bị giam 3 tháng trước khi bị dẫn độ tới The Hague vào ngày 28.6.2001 sau phiên họp của lưỡng viện.
Milosevic không công nhận The Hague. Ông quyết định sẽ "chiến đấu" tại phiên tòa xét xử mình. Ông tự nắm toàn bộ quyền bào chữa trong tay, không chấp nhận bất cứ luật sư nào mà toà chỉ định.
Phản ứng mạnh mẽ Tin tức về cái chết của Milosevic đã nhanh chóng lan ra thế giới ngay trong sáng 11.3. Hầu hết các kênh truyền hình ở Serbia hôm 11.3 đều dành cả ngày để đưa tin về thân thế, sự nghiệp và cái chết của ông Milosevic. Hiện chưa có thông báo nào về thời gian và địa điểm tổ chức đám tang ông. Chỉ có một điều mà ai cũng biết là: Vợ và con trai của Milosevic đang sống ở Nga có thể sẽ bị bắt ngay nếu trở về Belgrade dự đám tang.
Ông Ivica Dacic, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội của Milosevic bức xúc: "Toà án The Hague đã giết Slobodan Milosevic, gây ra một tội ác về nhân đạo và nhân quyền vào cùng thời điểm". "Họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái chết của ông. Đây là một vụ xìcăngđan và một nỗi xấu hổ của The Hague" - Boris Tadic - Tổng thống Serbia nói. Phó Chủ tịch Đảng Người Serbia cấp tiến Tomislav Nikolic tuyên bố: "Đã đến lúc phải thảo luận tất cả về hiện trạng của The Hague. Tất cả đàn ông Serbia đều khó chịu khi nhắc tới cái tên đó".
Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica nói rằng, ông rất tiếc về những gì xảy ra cho Milosevic và thông báo "Chính phủ Serbia sẽ yêu cầu Toà The Hague báo cáo về vụ việc". Tổng thống liên bang Svetozar Marovic thì chua xót: "Thẩm quyền về đạo đức của The Hague cần được xem xét. Thật buồn khi nghe tin ai đó chết, nhất là người bị chết sau khi được yêu cầu giúp đỡ".
Người thứ 6 Slobodan Milosevic là người Serb thứ 6 bị chết trong nhà tù The Hague kể từ khi cơ quan này được thiết lập. Có điều lạ là, ngoài người Serb ra thì chẳng có tù nhân nào khác bị chết trong thời gian đó. Lý giải điều này thế nào? Có lẽ tất cả các tù nhân đều là người Serb. Nhưng nếu nhà tù của The Hague có cả các tù nhân thuộc các quốc tịch khác như họ nói, mà chỉ có người Serb bị chết, thì điều này hiển nhiên là rất lạ. Và rất đáng ngờ. Trí Minh dịch
Dư luận xung quanh cái chết của ông Milosevic Carla del Ponte - công tố viên trưởng tại Toà án quốc tế, trả lời dư luận cho rằng ông Milosevic đã tự sát hoặc bị đầu độc: "Cho tới khi chúng tôi có kết quả (giám định pháp y) cụ thể, đó vẫn chỉ là những tin đồn".
Steven Kay QC - một trong số những luật sư của ông Milosevic, do toà án chỉ định: "Chúng tôi đã đấu tranh từ tháng 12.2005 để yêu cầu sự chăm sóc y tế phù hợp cho ông và đã có mâu thuẫn gay gắt giữa ông với bộ phận quản lý y tế ở nhà tù. Tính đúng sai của việc này sẽ để cho người khác nhận định. Nhưng chắc chắn chúng tôi đã làm hết sức để tìm cách đưa ông đi điều trị ở Mátxcơva". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga: "Các bác sĩ Nga đã sẵn sàng dành cho ông Milosevic sự giúp đỡ thích hợp, còn chính quyền Nga đã bảo đảm thực hiện những yêu cầu liên quan của toà án. Song đáng tiếc là toà án đã không đồng ý dành cho ông Milosevic cơ hội được điều trị ở Nga".
Cựu Thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt - từng phục vụ cho Liên Hợp Quốc tại Balkans từ năm 1999-2001: "Sau hàng năm trời xét xử, chúng ta vẫn không đưa ra được lời tuyên án, hay kết luận cho những câu hỏi quan trọng về sự phạm tội. Cái chết của ông Milosevic là một tổn hại nghiêm trọng đối với toà án The Hague".
Heikelina Verrijn Stuart - một luật sư người Hà Lan đã theo sát vụ xử từ đầu: "Milosevic tới (The Hague) với vấn đề về tim mạch, do đó họ (toà án) biết từ đầu rằng họ sẽ gặp sự rắc rối này. Vấn đề là ở chỗ, không thể thay đổi tiến trình giữa đường nếu vẫn muốn giữ sự công bằng cho cả hai phía".
Toma Fila - luật sư gia đình của ông Milosevic: "Cái chết của ông Milosevic sẽ xé vụn uy tín của toà án, vốn đã bị lu mờ một cách nghiêm trọng". T.A (Theo AP, BBC, VNA) |
|