Chernobyl vẫn là vùng đất chết
Các Website khác - 24/04/2006
20 năm sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl (26.4.1986):
Chernobyl vẫn là vùng đất chết

Nhà máy điện hạt nhân
Chernobyl.
20 năm sau vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử ở Chernobyl, tất cả những gì còn sót lại tại đây là những tấm chắn bêtông lớn và một lượng nhỏ công nhân viên quốc phòng đang tiếp tục công việc dọn dẹp.


Đứng từ bên ngoài vùng cấm có bán kính 30km nhìn vào, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn hiện lên sừng sững, xám xịt giữa rừng thông gần sông Pripyat. Dấu hiệu sống duy nhất là một cụm khói nhỏ từ một nhà máy nhiệt điện để cung cấp đủ lượng điện cần thiết cho công việc tháo dỡ. Những chiếc cần trục bị bỏ hoang hiện ra lờ mờ phía trên các lò phản ứng số 5 và 6 đang xây dựng dở mà chẳng bao giờ hoàn thành.

Lò phản ứng còn hoạt động cuối cùng của Chernobyl bị đóng cửa vào tháng 12.2000. Hiện vẫn còn khoảng 3.500 người đang làm việc ở khu vực này, phần lớn là để duy trì các khối đá được dựng thẳng đứng ngay sau tai nạn để ngăn chặn sự rò rỉ khí. Sau nhiều năm, chính quyền đã cho xây dựng một hệ thống cột thép khổng lồ làm chỗ dựa cho các tấm đá.

Ông Valery Seida - kỹ sư phụ trách tại Chernobyl cho biết, các tấm đá vẫn ở trong trạng thái tốt, nhưng cần được gia cố thêm trước khi bức tường thứ hai tốt hơn, gọi là "bức vòm" được xây dựng thay thế. Cấu trúc rộng 190 mét và dài 200 mét này sẽ có hình bán trụ và nặng khoảng 18.000 tấn, gấp hai lần tháp Eiffel.

Hai ngôi nhà cũng đã được xây dựng ở Chernobyl để chứa các thiết bị xử lý chất thải hạt nhân, bao gồm 15.000 mét khối chất thải phóng xạ lỏng và 3.000 mét khối chất thải rắn. Trên thực tế, vùng cấm ở Chernobyl đang là một bãi rác hạt nhân lớn.

Tại nghĩa địa quân sự Rosokha, hàng trăm xe tải, xe quân sự và trực thăng bị vứt chỏng chơ. Gần đó, toàn bộ thị trấn Pripyat, cũng bị bỏ hoang và được ngăn chặn bởi hàng rào dây thép gai. Trước thảm hoạ, đây là nơi sinh sống của 45.000 người.

Các chuyên gia cho biết, khu vực Chernobyl bị nhiễm phóng xạ nặng đến nỗi, sẽ không ai có thể sống tại đây trong 500 năm tới. "Chernobyl sẽ mãi mãi là một vết nâu bỏ hoang trên bản đồ" - Valery Seida nói. TR.M (Theo AFP)