Chiến dịch chống tham nhũng của FBI - Kỳ cuối: Thách thức quyền lực
Các Website khác - 19/12/2008

Tranh biếm họa “Đài tưởng niệm William Jefferson” được đăng trên nhiều blog tại Mỹ, với chiếc tủ lạnh giấu tiền của hạ nghị sĩ Jefferson mang hình tòa nhà Quốc hội Mỹ - Ảnh: sayanythingblog.com

TT - Tháng 12-2008 là quãng thời gian nặng nề đối với hạ nghị sĩ Mỹ William Jefferson. Ngày 7-12, ông Jefferson thất bại cay đắng trước đối thủ đảng Cộng hòa Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh, người Mỹ gốc Việt) trong cuộc bầu cử chức hạ nghị sĩ liên bang tại bang Louisiana do không còn nhận được sự tín nhiệm của người dân địa phương. Đến ngày 12, ông Jefferson nhận thêm một hung tin nữa: Tòa phúc thẩm liên bang tại Virginia bác đơn kháng cáo đòi hủy bỏ mọi cáo trạng tham nhũng của ông.

90.000 USD trong tủ lạnh

Ông Jefferson là nghị sĩ quốc hội gốc Phi đầu tiên của bang Louisiana, trở thành thành viên Hạ viện Mỹ từ năm 1991. Tại đồi Capitol, Jefferson nổi tiếng là người ủng hộ phát triển thị trường châu Phi cho các hoạt động thương mại và đầu tư.

Năm 2000, danh tiếng của Jefferson đã thu hút sự chú ý của Vernon Jackson, giám đốc Công ty viễn thông iGate ở Kentucky, hãng kinh doanh công nghệ phát triển mạng lưới Internet tốc độ cao bằng dây đồng thường. Jefferson thấy loại công nghệ này là cách các nước vùng Tây Phi nghèo đói có thể phát triển mạng Internet mà không cần phải đầu tư lớn vào dây cáp quang hay các trạm không dây. Do đó, với ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Phi, Jefferson quảng bá cho công nghệ của iGate mà không đòi hỏi bất cứ gì. Tuy nhiên, đến đầu năm 2001, Jefferson thông báo cho Jackson là dịch vụ của ông ta đã không còn miễn phí nữa.

Tháng 1-2001, gia đình Jefferson lập ra Công ty ANJ với vợ là Andrea Green Jefferson làm giám đốc. Nguồn tin FBI cho biết ANJ nhận 7.500 USD/tháng tiền phí tư vấn từ iGate, 5% doanh số (khoảng 5 triệu USD/năm), 5% tiền đầu tư vào iGate và một triệu cổ phiếu công ty. Từ 2001-2005, ANJ nhận 455.446 USD từ iGate, trong đó có tiền thanh toán chi phí đi lại của Jefferson đến châu Phi.

Năm 2004, iGate đổ vỡ một thương vụ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và Internet tại Nigeria với một nhà đầu tư Nigeria. Nhà đầu tư này sau đó cho biết Jefferson đòi ông đưa 6,5 triệu USD mua quyền sử dụng công nghệ iGate vào tài khoản của các thành viên gia đình Jefferson. Do đó Jefferson và Jackson tìm một nhà đầu tư mới là Lori Mody - giám đốc một công ty công nghệ. Bà Mody đã đồng ý đầu tư vào iGate và chuyển 3,5 triệu USD để mua lại quyền sử dụng công nghệ iGate của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ một nửa số tiền này được chuyển đến nhà đầu tư. Sau đó, Jefferson với sự giúp đỡ của cô con gái là một luật sư đã thành lập Công ty W2-IBBS do Mody đứng tên sở hữu để thực hiện hợp đồng đối tác với Công ty Nigeria Rosecom. Jefferson đòi 5-7% cổ phần Công ty W2-IBBS cho các con gái của ông ta. Trong vòng vài tháng sau đó, Mody bắt đầu nghi ngờ Jefferson và Jackson về hợp đồng Nigeria và khoản tiền 3,5 triệu USD. Đến tháng 3-2005 bà Mody quyết định khai báo vụ việc với FBI. Lập tức một mạng lưới điều tra được giăng ra chờ hạ nghị sĩ Jefferson. Trong nhiều tháng, bà Mody bí mật ghi âm các cuộc nói chuyện với Jefferson.

Ông William Jefferson - Ảnh: Reuters

Ngày càng tỏ ra tham lam, Jefferson đòi phần ăn chia trong thương vụ Nigeria tăng từ 7% lên tới 20%, rồi sau đó lên 30%. Đến tháng 7-2005, Jefferson nói với bà Mody là cần phải hối lộ cho Phó tổng thống Nigeria Atiku Abubakar 500.000 USD để “bôi trơn” hợp đồng. Ngày 30-7, bà Mody, được các nhân viên FBI gài một máy thu âm trong người, đến khách sạn Ritz-Carlton tại Arlington, bang Virginia trao cho Jefferson số tiền 100.000 USD bằng tiền do chính FBI cung cấp.

Toàn bộ cảnh trao tiền đã được các nhân viên FBI quay phim lại. Ngày 3-8, hàng chục nhân viên FBI ập vào ngôi nhà của Jefferson ở Washington để khám xét. Họ phát hiện 90.000 USD giấu trong tủ lạnh. Jefferson đã chia số tiền này thành các cọc 10.000 USD, bọc kỹ bằng lá nhôm và nhét sâu vào trong các khay chứa đồ ăn đông lạnh.

Cuộc bố ráp chấn động

Cuộc điều tra tiếp diễn. Tháng 1-2006, Brett M. Pfeffer, cựu cố vấn của Jefferson và là người giới thiệu Mody với Jefferson, nhận tội xúi giục hối lộ và đến tháng 5-2006 bị kết án tù 8 năm. Ngày 3-5-2006, Jackson thú nhận tội hối lộ quan chức và khai đã đút lót cho Jefferson 400.000 - 1 triệu USD. Jackson bị xử tù 7 năm 3 tháng. Đêm 20-5-2006, FBI quyết định khám xét văn phòng làm việc của Jefferson tại tòa nhà quốc hội trên đồi Capitol. Đây là một quyết định gây chấn động bởi chưa bao giờ FBI bố ráp một văn phòng nghị sĩ quốc hội.

Khoảng 15 nhân viên FBI đến văn phòng của Jefferson khám xét và thu hồi nhiều tài liệu. Vụ khám xét đã khiến cả Quốc hội Mỹ rúng động. Các nghị sĩ cả hai đảng, dù yêu cầu Jefferson hợp tác điều tra, vẫn tuyên bố hành động của FBI là “hung hăng quá mức” và “có thể đã vi phạm sự chia cách quyền lực giữa nhánh hành pháp và lập pháp do hiến pháp quy định nhằm bảo vệ các nghị sĩ khỏi sự đe dọa của chính quyền”.

Tình trạng căng thẳng lên đến cao độ khi Bộ trưởng tư pháp Alberto Gonzales, Thứ trưởng Paul McNulty và cả giám đốc FBI Robert Mueller đe dọa sẽ từ chức nếu Bộ Tư pháp bị yêu cầu phải trả lại số tài liệu tịch thu tại văn phòng ông Jefferson. FBI khẳng định vụ bố ráp là cần thiết bởi có dấu hiệu cho thấy Jefferson lén lút hủy các tài liệu liên quan đến vụ án. Ngày 25-5, Tổng thống George Bush quyết định can thiệp và yêu cầu Bộ Tư pháp niêm phong các tài liệu này trong vòng 45 ngày.

Cuộc khảo sát của truyền hình ABC tháng 6-2006 cho kết quả 86% người Mỹ ủng hộ hành động của FBI. Đến tháng 7-2006, chánh án Thomas F. Hogan của tòa án tại Washington ra phán quyết khẳng định vụ bố ráp của FBI là hợp pháp. Ông Hogan tuyên bố: “Nghị sĩ cũng bị ràng buộc về mặt pháp luật như một người bình thường” và: “Thành viên quốc hội không phải là những siêu công dân có quyền miễn trừ các trách nhiệm hình sự”. Ngày 15-7, các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu trục xuất Jefferson khỏi Ủy ban Tài chính và thuế vụ.

Đáng ngạc nhiên là trong cuộc bầu cử Hạ viện Mỹ tại bang Louisiana tháng 11-2006, Jefferson dù đang bị điều tra vẫn giành thắng lợi. Tuy nhiên, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định Jefferson sẽ không lấy lại được ghế trong Ủy ban Tài chính và thuế vụ. Sang đến tháng 6-2007 Jefferson mới chính thức bị truy tố tội danh tham nhũng.

Mọi nỗ lực chống án của Jefferson trong suốt hơn một năm qua tỏ ra vô hiệu. Hầu như chắc chắn Jefferson sẽ phải ra trước vành móng ngựa vào đầu năm 2009. Và người dân bang Louisiana cuối cùng cũng đã tuyên bản án của họ đối với Jefferson trong kỳ bầu cử vừa qua.

HIẾU TRUNG tổng hợp