Cơn bão Katrina của nước Pháp Không phải "Tự do, bình đẳng, bác ái" mà là "Bạo lực, thất nghiệp và tệ phân biệt đối xử" - đó là cuộc sống của nhiều người nhập cư tại Pháp hiện nay. Nhưng chỉ khi bạo loạn nổ ra tại nhiều thành phố của Pháp từ vài tuần qua, mặt trái tồi tệ này mới bộc lộ rõ nét, đặt quốc gia này trước một bài toán nan giải.
Cũng giống như cơn bão Katrina ở Mỹ hai tháng trước, làn sóng bạo lực này đã phơi bày mặt trái tồi tệ của một quốc gia giàu mạnh. Hơn nữa, nó còn chứng tỏ tính thiếu bền vững của mô hình kinh tế Tây Âu, với các chính sách chủ yếu nghiêng về phía bảo vệ xã hội và an ninh việc làm hơn là phát triển và tạo ra công ăn việc làm mới. Khi tuổi trẻ thất nghiệp Mặc dầu các chính sách đều nhằm đảm bảo mức sống khá giả cho mỗi người, nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, nó lại vô hình trung tạo ra một tầng lớp công dân hạng hai trẻ tuổi thất nghiệp, nhiều người trong số đó có nguồn gốc nhập cư. "Những thanh niên này không có ước mơ. Họ cảm thấy nhục nhã và bị đứng ngoài cuộc" - Yazid Sabeg, một doanh nhân Pháp gốc Algeria, nói. Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao, những người nhập cư thường bị phân biệt đối xử khi xin việc làm. Những công việc "ngon lành" thường được "dành riêng cho một số người nhất định, thường là người Pháp da trắng" - Abdel Karim, con trai của một người nhập cư gốc Phi sống ở Clichy-sous-Bois (nơi nổ ra bạo loạn), nói. Mặt khác, sự phát triển kinh tế tại phần lớn các nước Tây Âu trong thời gian qua là quá chậm để có thể tạo ra việc làm mới góp phần nâng cấp người nghèo. Kinh tế Pháp tăng trưởng trung bình 1,5% trong 4 năm qua và chỉ đạt 1,2% trong năm nay. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp khoảng gần 10%, trong đó có 22% dưới 25 tuổi - nhiều gấp đôi so với Mỹ. Số người thất nghiệp trẻ tuổi lên tới trên 50% ở các vùng ngoại ô, nơi sinh sống của trên 5 triệu người nhập cư gốc Phi và Arab thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Tỉ lệ thất nghiệp cao trong số những người nhập cư không chỉ giới hạn ở Pháp. Thất nghiệp trong số những người nhập cư gốc Thổ tại Đức khoảng 25%, các tín đồ Hồi giáo tại Anh 14%. Nước có tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất (20%) là Italia, Tây Ban Nha và Bỉ. Kết hợp giữa phân biệt chủng tộc, hệ thống giáo dục yếu kém, và thiếu người đại diện cho cộng đồng nhập cư trong số các chính trị gia và doanh nhân, có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao những người nhập cư lại bị cô lập. Những vết nứt Các chính phủ Tây Âu có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn nếu họ xoa dịu bạo lực bằng việc gia tăng các khoản chi phí, vì điều đó sẽ làm tăng áp lực thuế lên các hoạt động kinh doanh, buộc các chủ doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Trong khi đó, đối với nhiều người nhập cư, tiền trợ cấp là vừa đủ để họ không có ý định đi làm. Karim cho biết, anh có thể tìm được việc như lái xe hay công nhân xây dựng tại Clichy-sous-Bois, nhưng khi đó số tiền anh kiếm được lại ít hơn tiền trợ cấp xã hội. Tuy vậy, trợ giúp có mục tiêu rõ ràng của chính phủ lại tạo ra sự khác biệt lớn. Mặc dầu trường học tại các khu ổ chuột có thể là điểm bắt đầu tốt, nhưng vết nứt sâu sắc lại hiện rõ trong hệ thống giáo dục Pháp, vốn kiêu hãnh vì mỗi đứa trẻ đều nhận được nền giáo dục công bằng. Các trường học tại nhiều khu dân cư nghèo hiện đang rất nguy hiểm và bị xuống cấp. Khoảng 36% học sinh bỏ học tại các trường trung học là con em của người nhập cư, còn những người dù tốt nghiệp thường thiếu kỹ năng để có thể kiếm được việc làm tử tế hay vào học đại học. "Sự thiếu công bằng giữa các trường ở ngoại ô và các trường ở trung tâm thành phố ngày càng trở nên rõ nét - Sad Hanchane, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Kinh tế và Xã hội học việc làm tại Aix-en-Provence, nói - Các cộng đồng Pháp giàu có hơn nhận được trợ giúp giáo dục lớn hơn do tiếng nói của những dân biểu của họ có trọng lượng hơn dân nhập cư. Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia cố vấn của Viện Montagine thực hiện cho thấy, sự đầu tư cho mỗi học sinh tại khu dân cư nghèo thấp hơn mức trung bình trên toàn quốc tới 30%. Nỗi tức giận gia tăng trong cộng đồng nhập cư còn đặt Châu Âu trước một nguy cơ mới - sự bài ngoại dữ dội. Những đảng chống người nhập cư đang hồi sinh. Tại Pháp, Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của Jean-Marie Le Pen đã cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Các chính phủ trung hữu từ Scandinavia đến Địa Trung Hải hiện đang liên minh với các đảng chống người nhập cư. Và những cuộc bạo loạn tại Pháp có thể giúp các nhóm cực đoan thu hút thêm sự ủng hộ. Đóng cửa nhập cư có thể dẫn đến một thảm hoạ cho Tây Âu, nơi trong vài thập kỷ tới sẽ cần lực lượng lao động lớn hơn để thay thế một bộ phận dân cư đang già đi. Nhưng nhiều lao động nhập cư sẽ không giải quyết vấn đề nếu họ không tìm được việc làm, và đó là lý do cấp thiết cho một cuộc cải cách sâu sắc. Một vài nước đang thay đổi. Đan Mạch đã loại bỏ các điều luật lao động khắt khe và hiện nước này có tỉ lệ thất nghiệp trẻ tuổi chỉ 7,5%, thấp hơn của Mỹ, mặc dù có hệ thống phúc lợi xã hội khá tốt. Italia tạo cơ hội giáo dục, đào tạo nghề và các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho dân nhập cư, làm nhiều người trong số họ tìm được con đường nâng cao thân phận của mình. Riêng Chính phủ Pháp cho đến nay vẫn tỏ ra ít quan tâm tới những biện pháp như giảm thuế và nới lỏng những điều luật lao động. Họ sợ làm các hiệp hội lao động tức giận trước thềm bầu cử năm 2007. Đó là một sự mạo hiểm, đúng vậy! Nhưng như đã thấy trong vài tuần qua, sự mạo hiểm của việc "án binh bất động" thậm chí còn lớn hơn nhiều. Hoàng Giang (Theo Business Week) |
▪ Các nạn nhân da cam cần được bồi thường (19/11/2005)
▪ Doanh nghiệp Mỹ có lợi ích ngày càng tăng tại Việt Nam (19/11/2005)
▪ 7 màu (19/11/2005)
▪ Khuyến khích tiềm năng từ người nhập cư (18/11/2005)
▪ Phóng viên kỳ cựu Washington Post điều trần về vụ Plamegate (18/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (18/11/2005)
▪ Indonesia: Lần đầu tiên xuất hiện băng video đe doạ đánh bom (18/11/2005)
▪ 10.000 cổ vật của Iraq vẫn "bặt vô âm tín" (15/11/2005)
▪ Thừa nhận sự thật, nhưng... (15/11/2005)
▪ Tranh cãi về quyền kiểm soát Internet (15/11/2005)