Dân châu Á ngại mua sắm
Các Website khác - 20/01/2009

 Đám mây đen khủng hoảng kinh tế đang bao trùm khắp châu Á, khiến người dân các nước trong khu vực phải thắt lưng buộc bụng dịp Tết Nguyên đán. 


Dòng chữ “Chào mời quý khách sử dụng phiếu mua hàng” tại một cửa hiệu ở Đài Bắc - Ảnh: Reuters

Theo thông lệ, Tết Nguyên đán, đến ngay sau lễ Giáng sinh, là điểm nhấn của hai tháng mua sắm ào ạt truyền thống tại phần lớn Đông Á. Tuy nhiên, năm nay người tiêu dùng đã chùn tay do nền kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn, bất ổn. Xuất khẩu sụt giảm mạnh trong những tháng cuối năm, đẩy vô số người châu Á rơi vào cảnh thất nghiệp.

Một chữ “giảm”

Tại Singapore, phần lớn người dân mắc chứng “cuồng mua sắm”, nhưng năm nay các trung tâm mua sắm khổng lồ trong thành phố đều vắng vẻ hơn mọi năm. “Ở đây các mặt hàng giảm giá 50% nhưng hãy nhìn quầy tính tiền kìa, chẳng có ai đứng xếp hàng cả. Thật không bình thường!” - bà nội trợ Them cám cảnh trước khu cửa hàng trên “con đường mua sắm” Orchard. “Khủng hoảng kinh tế mà - ông Ah Hua, một người mua hàng khác, lý giải với phóng viên Hãng tin Reuters - Lúc này tồi tệ đến mức chúng ta nên tiết kiệm tối đa”.

Reuters cho biết tình hình ở Nhật đặc biệt ảm đạm khi các nhà kinh tế dự báo Tokyo đang trải qua thời kỳ suy thoái lâu nhất trong lịch sử. Chuỗi trung tâm mua sắm Takashimaya, lớn thứ ba tại Nhật, cho biết doanh số hàng bán tại trung tâm lớn nhất ở Tokyo giảm 5% trong những ngày đầu năm 2009.

Những mặt hàng như quần áo hàng hiệu và đồ điện tử ế ẩm nhất. Trong khi đó, chuỗi trung tâm mua sắm lớn thứ hai J. Front Retailing phải thừa nhận: “Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là sống sót”. Chỉ có các mặt hàng thực phẩm ổn định bởi phần lớn người tiêu dùng Nhật lựa chọn cách ăn uống ở nhà, thay vì ra nhà hàng sang trọng mừng lễ tết như mọi năm.

Không phải là thảm họa

Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dù gặp nhiều khó khăn nhưng đối với các nhà bán lẻ châu Á, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế không dữ dội như ở châu Âu và Mỹ.

Trong những năm gần đây, châu Á đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định, số người dân lớp trung lưu gia tăng mạnh. Chi tiêu tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ các gói kích cầu tài chính lên đến 640 tỉ USD ở châu Á (chưa kể Nhật), cộng với việc các chính phủ giảm lãi suất cũng như giá nhiên liệu giảm. “Người tiêu dùng ở châu Á đang thận trọng, nhưng đây chưa phải là một thảm họa” - Reuters dẫn lời giám đốc Hãng Courts O’Connor nhận định.

“Các nhà bán lẻ châu Á sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - chuyên gia Paul McKenzie, giám đốc nghiên cứu tiêu dùng của Hãng CLSA ở Hong Kong, nhận định. Ông McKenzie dự báo tăng trưởng bán lẻ ở Hong Kong và Singapore năm nay sẽ ở mức âm hoặc bằng 0, so với mức tăng theo thứ tự là 11,5% và 5% của năm 2008.

Ở Trung Quốc, Hãng nghiên cứu thị trường Data-driven marketing Asia dự báo chi tiêu mua sắm sẽ giảm 20-30%. “Tất cả hãng bán lẻ đều lo lắng về viễn cảnh sau tết, khi lực đẩy mua sắm của dịp Giáng sinh và tết đã kết thúc” - ông Terry O’Connor, giám đốc Hãng bán lẻ Courts có 80 trung tâm mua sắm tại Đông Nam Á, thừa nhận.

Nỗ lực lôi kéo

Đối diện với viễn cảnh ảm đạm, chính phủ và doanh nghiệp bán lẻ các nước và vùng lãnh thổ tại Đông Á đang nỗ lực lôi kéo người tiêu dùng bằng những biện pháp kích cầu mạnh mẽ. AFP cho biết từ ngày 18-1, chính quyền Đài Loan đã bắt đầu phân phối số phiếu mua hàng trị giá tới 2,53 tỉ USD cho 22,7 triệu người dân. Mỗi phiếu trị giá 107 USD và có thể sử dụng để mua sắm hoặc thanh toán cho các dịch vụ khác như trả tiền taxi, phòng khách sạn hoặc thậm chí hát karaoke!

Tại Hàn Quốc, chuỗi trung tâm mua sắm hàng đầu Shinsegae cho biết đang quảng bá mạnh các sản phẩm giá rẻ phục vụ dịp tết. “Chúng tôi tăng mạnh các loại hàng có mức giá 37-51 USD, thấp hơn mức 51-89 USD của năm ngoái” - người phát ngôn của Shinsegae cho biết. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng thừa nhận chỉ hi vọng tăng trưởng doanh số đạt 10% dịp tết, thấp hơn nhiều so với mức 18% năm 2008. Trong khi đó, Hãng Courts cho biết đang tổ chức nhiều chương trình quảng bá và tăng mạnh khuyến mãi. “Chúng tôi giảm giá rất mạnh ở mức 2-3 lần” - giám đốc O’Connor công bố.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), bà Xiao Wang, chủ cửa hàng quần áo ở trung tâm mua sắm Joy City, cho rằng kể cả khi doanh số hàng bán có ổn định thì việc giảm giá ồ ạt nhằm lôi kéo người tiêu dùng cũng khiến các doanh nghiệp kiếm được ít tiền hơn, thậm chí có thể lỗ. “Tôi chỉ mong nhiều người sẽ đi ra ngoài và mua sắm thay vì ngồi nhà dịp tết này” - bà Wang hi vọng. Đó là ước mong của các tập đoàn lớn cũng như chính phủ nhiều nước.

Theo Tuoi Tre Online