Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama bước vào Nhà Trắng hôm nay, được bao bọc niềm hy vọng đầy thiện chí từ các nước rằng thế giới sẽ có một thời gian ngọt ngào với ông dù cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hoành hành.
Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên kỳ vọng của cả thế giới có thể biến thành thất vọng nếu ông và đội ngũ ngoại giao do bà Hillary Clinton dẫn đầu không làm được gì nhiều để giải quyết các vấn đề tồn đọng từ lâu ở Trung Đông, Iran, Pakistan và những nơi khác.
"Sự kỳ vọng mà thế giới đặt vào chính quyền Obama và chính sách ngoại giao của ông ấy là quá lớn", Reginald Dale, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, nhận xét.
"Việc thay đổi chính quyền không có nghĩa là mọi vấn đề sẽ trở nên dễ giải quyết hơn", ông nói. "Anh không thể trông đợi những giải pháp thần kỳ khi các chính phủ đều đang phải vật lộn với những vấn đề thâm căn cố đế".
Việc Obama được bầu làm tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã gây nên cơn sốt Obama ở khắp mọi nơi. Ở nước ngoài, người ta hy vọng về sự hòa giải trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, cùng cuộc khủng hoảng kinh tế. Sự trông đợi lớn đó chính là bài thử khắc nghiệt đối với tân tổng thống Mỹ.
Những dấu hiệu đầu tiên về sự khó khăn khi phải cân bằng hành động của Obama đã xuất hiện trong mấy tuần qua, khi tổng thống đắc cử im lặng trước chiến dịch của Israel ở Gaza, dẫn đến sự chỉ trích trên báo chí thế giới.
"Hy vọng quá nhiều hoặc kỳ vọng quá cao có thể dẫn đến thất vọng", Daniel Serwer, phó chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, cảnh báo.
"Nhưng kỳ vọng cao cũng chính là cơ hội lớn", ông nói thêm.
Đứng trước thế giới, Obama có một lợi thế rất lớn và rõ ràng - ông không phải là George W. Bush, người phát động cuộc chiến Iraq và theo đuổi chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế - những điều khiến Bush không được lòng công chúng ở nhiều quốc gia.
Một điều nữa khiến sự kỳ vọng đặt vào ông lên cao là vì Obama đã chọn ngoại trưởng - bà Clinton - một "thương hiệu" lừng danh thế giới. Bộ đôi này nhấn mạnh sẽ làm sống động lại nền ngoại giao và xây dựng lại các mối quan hệ.
"Những điều này không chỉ khiến người ta thêm hy vọng, mà còn tạo thuận lợi cho chính quyền mới. Obama sẽ có thêm thời gian và không gian để làm việc với những người khác", Shibley Telhami, giáo sư đại học Maryland và là viện sĩ Viện Brookings, nhận xét.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết ông không hy vọng sẽ có sự thay đổi quá chóng vánh khi chính quyền mới bắt đầu làm việc.
"Sự thay đổi sau khi Obama nhậm chức sẽ không phải như từ đen hóa trắng. Ở một mức độ nào đó, chúng ta sẽ thấy đó là sự tiếp nối xu hướng đã xuất hiện", nhà ngoại giao dự đoán, và lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Bush đã thể hiện quan điểm đa phương hơn trong những năm gần đây.
Nói về chính sách ngoại giao đối với các vấn đề đang tiếp diễn như Gaza, Tehran hay Islamabad hay Bình Nhưỡng, Serwer cho rằng Obama sẽ "hái những quả ở gần nhất" để xây dựng đà tiến lên.
Ông nhắc đến việc Obama ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm các công dân Mỹ muốn đi thăm thân ở Cuba - điều có thể dễ dàng nhận được sự cho phép từ các nhà lập pháp, và nhờ đó có thể tạo ấn tượng rằng chính sách ngoại giao đang tiến triển và gặt hái thành quả.
"Đầu xuôi thì đuôi lọt. Sẽ không có nhiều bàn thắng dễ dàng đâu", Serwer nói. "Những vấn đề gai góc nhất sẽ tới sau một thời gian. Ngoại giao sẽ có hiệu quả, nhưng không thể có quá nhanh chóng".
Hàng loạt vấn đề hiện nay của thế giới đang tạo ra một môi trường "cực kỳ phức tạp và khó khăn", nhà phân tích nói. "Họ sẽ phải chọn một số ưu tiên và đầu tư các nguồn lực cho những ưu tiên đó".
Áp lực của công chúng trong nước Mỹ đối với chính sách ngoại giao không mạnh bằng đòi hỏi giải quyết khủng hoảng kinh tế và các vấn đề đối nội khác. Một thăm dò do hãng Fox tiến hành tuần trước cho thấy hơn hai phần ba số người Mỹ cho rằng ưu tiên hàng đầu của Obama nên là kinh tế.
Cuộc chiến tranh Iraq - từng là ưu tiên số 1 - giờ xuống hạng tư với chỉ 3% số người được hỏi cho là cần được chú ý. Xung đột Trung Đông hầu như không được đề cập đến, và các vấn đề đối ngoại khác cũng không gây ấn tượng gì.
Châu Âu đã phải lòng Obama, nhưng vẫn cảnh giác trước kiểu dùng cơ bắp của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Một cuộc thăm dò năm 2008 cho thấy chỉ có 36% số người Âu muốn Mỹ đóng vai trò lãnh đạo thế giới, trong khi 59% không muốn như vậy.
Báo Đức Der Spiegel dự đoán rằng Obama sẽ đề nghị các chính phủ ở châu Âu đóng vai trò lãnh đạo mạnh hơn nữa trên trường quốc tế.
"Người ta nói Obama là người biết lắng nghe. Nhưng lắng nghe chỉ có ích khi những người khác có gì đó để nói", báo này bình luận.
Theo VnExpress
▪ Trung Quốc vui lễ hội Mùa Xuân (20/01/2009)
▪ Chùm tin vắn qua ảnh (20/01/2009)
▪ Chùm ảnh: Gaza ngày ấy, bây giờ (20/01/2009)
▪ Nhà Trắng ngày đổi chủ (20/01/2009)
▪ Sao Hollywood hội tụ mừng Tổng thống (20/01/2009)
▪ Sao Nhật đi cấp cứu vì sốc ma túy (20/01/2009)
▪ Lễ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ (20/01/2009)
▪ Dân châu Á ngại mua sắm (20/01/2009)
▪ Nga, Ukraineký thoả thuận cung cấp khí đốt trong 10 năm (20/01/2009)
▪ Obama được tín nhiệm nhiều nhất (19/01/2009)