Vụ mất hộ chiếu vừa qua là cú sốc mới nhất của Chính phủ Anh - Ảnh: PA |
Hộ chiếu và tem thị thực "bốc hơi" Bộ Ngoại giao Anh hôm 29.7 thừa nhận 3.000 hộ chiếu trắng và tem thị thực đã bị đánh cắp khi chúng đang được vận chuyển từ thành phố Manchester đến London để gửi cho các sứ quán Anh tại nước ngoài. Vụ việc xảy ra khi tài xế xe tải chở số hộ chiếu này dừng xe xuống mua báo tại một sạp báo ở thị trấn Oldham, gần London, theo hãng tin BBC. Vụ mất cắp gây thiệt hại cho Bộ Ngoại giao tới khoảng 5 triệu USD. Bộ này đánh giá đây là một vụ việc nghiêm trọng và nhận thấy có lỗ hổng lớn trong việc đảm bảo an ninh cho công tác vận chuyển giấy tờ quan trọng. Tuy nhiên, bộ phận quản lý hộ chiếu cho biết kẻ trộm sẽ không thể sử dụng những hộ chiếu này vì chúng được gắn chíp an ninh với công nghệ cao lưu số liệu. Do đặc điểm bảo mật của chíp điện tử trên, bọn trộm sẽ khó mà bán số hộ chiếu đánh cắp ra chợ đen. Bộ phận quản lý hộ chiếu cũng khẳng định không có thông tin cá nhân trong số hộ chiếu bị mất cắp. Thế nhưng, các chuyên gia chống hộ chiếu giả thì cho rằng số hộ chiếu và tem thị thực bị đánh cắp có thể được dùng làm giấy tờ tùy thân để đi lại tại những nước chưa sử dụng công nghệ đọc chíp điện tử. Máy tính xách tay, thẻ nhớ và...
Trên đây không phải là vụ mất cắp giấy tờ quan trọng đầu tiên liên quan đến bộ ngành Chính phủ Anh. Trung tuần tháng 7 này, Bộ Quốc phòng đã xác nhận 121 thẻ nhớ USB và hơn 650 máy tính xách tay của bộ này, trong đó có không ít chứa tài liệu mật, đã bị đánh cắp hoặc thất lạc trong 4 năm qua. Cụ thể là hồi tháng 4 năm nay, máy tính xách tay của một quan chức quân đội đã bị đánh cắp khi ông này đang ngồi ăn tại quán McDonald gần trụ sở Bộ Quốc phòng, theo BBC. Rất may là dữ liệu trong máy tính bị mất đã được mã hóa. Trước sự việc này, nhân viên Bộ Quốc phòng bị cấm đem máy tính hoặc các ổ đĩa chưa mã hóa chứa dữ liệu cá nhân ra khỏi văn phòng làm việc.
Ảnh chụp một trang tài liệu mật về al-Qaeda được tìm thấy trên chuyến tàu đi từ London đến Surrey - Ảnh: Daily Mail
Một vụ mất cắp dữ liệu khác khiến chính quyền của Thủ tướng Gordon Brown bối rối là việc dữ liệu cá nhân, bao gồm thông tin về gia đình và hộ chiếu, của 600.000 người đã bị thất lạc khi chiếc máy tính xách tay của một quan chức Hải quân Hoàng gia bị đánh cắp hồi tháng 1 năm nay. Chiếc máy tính này chứa thông tin của quân nhân và của ứng viên muốn gia nhập lực lượng hải quân, thủy quân và không quân Anh. Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng, những thông tin bị mất chưa được mã hóa nên bất cứ ai có kiến thức công nghệ thông tin cơ bản cũng có thể tiếp cận được dễ dàng. Do đó, nó sẽ rất nguy hiểm nếu rơi vào tay những phần tử cực đoan có kế hoạch tấn công các quân nhân và gia đình họ.
Lỗ hổng quản lý
Các vụ mất cắp dữ liệu quan trọng không chỉ xảy ra ở Bộ Quốc phòng mà còn xuất hiện ở một số bộ ngành khác. Hồi tháng 2 này, một thợ sửa máy vi tính ở miền bắc nước Anh đã tình cờ phát hiện trong chiếc laptop của khách hàng có một đĩa CD ghi chú "Bộ Nội vụ - Tối mật", theo BBC. Tất cả dữ liệu trong đĩa và cả chiếc máy tính đều đã được mã hóa. Chiếc máy này do một khách hàng mua đấu giá trên mạng mang tới. Nhận thấy có điều bất thường, người thợ đã gọi cho cảnh sát. Chiếc máy cùng đĩa đã bị tịch thu. Bộ Nội vụ khẳng định chiếc đĩa là của họ và cho mở cuộc điều tra. Hồi tháng 11.2007, Văn phòng Thuế và Thu nhập Anh cũng đã làm mất dữ liệu về thông tin cá nhân của 25 triệu người. Chưa đầy một tháng sau đó, hồ sơ của 3 triệu học viên lái xe cũng mất tích. Hồi tháng 6 vừa qua, một quan chức tình báo cấp cao thuộc Văn phòng Chính phủ đã bị đình chỉ công tác do liên quan đến việc bỏ quên một bộ tài liệu quan trọng của Chính phủ trên chuyến tàu điện ngầm đi từ ga Waterloo ở London đến Surrey. Một hành khách sau đó đã đưa bộ tài liệu cho hãng tin BBC. Bộ tài liệu 7 trang này, được xếp vào loại "tài liệu mật hàng đầu của Anh", gồm một báo cáo có tựa đề "Những điểm yếu của al-Qaeda" và một bản đánh giá về tình hình của lực lượng an ninh Iraq. Không lâu sau đó cũng đã xảy ra một vụ để quên tài liệu mật trên chuyến tàu đến ga Waterloo ở London, bao gồm thông tin về việc gây quỹ khủng bố, tình trạng buôn lậu ma túy và hoạt động rửa tiền. Hai vụ để quên tài liệu mật liên tiếp chỉ diễn ra trong một tuần thật sự là cú sốc cho chính quyền ông Brown.
Những vụ mất cắp, thất lạc kể trên cho thấy các nguyên tắc an ninh cơ bản trong việc bảo vệ tài liệu mật ở một số cơ quan Chính phủ Anh chưa được xem trọng, nhất là trong bối cảnh nguy cơ tấn công khủng bố ngày càng tăng. Đây là điều mà chính phủ của Thủ tướng Brown, vốn đang sụt giảm uy tín, phải tìm cách khắc phục.
Châu Yên
▪ Ông hoàng trong bóng tối (02/08/2008)
▪ Những hình ảnh ấn tượng về nhật thực trên thế giới (02/08/2008)
▪ Ba Lan 'nóng mắt' vì bãi biển khỏa thân (01/08/2008)
▪ Người siêu giàu ở Trung Quốc sống như thế nào? (01/08/2008)
▪ Zimbabwe đổi tiền, 10 tỉ "ăn" 1 (31/07/2008)
▪ UNAIDS: Số người chết vì HIV giảm trong 2 năm qua (31/07/2008)
▪ Trung Quốc có thể thu lợi gần 2 tỉ USD nhờ Olympic (31/07/2008)
▪ Nhà tù The Hague và số phận các cựu lãnh đạo Nam Tư cũ (30/07/2008)
▪ Ra mắt máy bay du lịch không gian (30/07/2008)
▪ Chuyên gia vũ khí hóa học của Al-Qaeda bị tiêu diệt (30/07/2008)