Đất nước cần những người tài, dù ở trong hay ngoài nước
"Chúng tôi, những trí thức Việt kiều, đã bao lần tự hỏi phải làm gì để giúp đất nước trên con đường hội nhập vào thế giới văn minh hiện đại? Tiềm lực của kiều bào ta ở nước ngoài rất lớn. Chất xám của Việt Nam rất dồi dào. Nhưng những tiềm năng ấy chưa được khai thác hết" - GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Trường ĐH Liège, Bỉ) trăn trở. Cùng với ông Hưng, 60 trí thức kiều bào từ 17 nước trên thế giới đã cùng nhau hội tụ tại Hà Nội hôm 16.8 để bàn biện pháp xây dựng quê hương. 
| Các đại biểu dự hội thảo. | "Cây có cội, suối có nguồn" Tới dự hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương", mỗi đại biểu có một tâm trạng, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tất cả đều có chung một mục đích là hướng về đất nước với tấm lòng chân thành.
Bác sĩ Bùi Kim Hải - Vương quốc Bỉ nhớ lại: "Tôi đi du học Vương quốc Bỉ từ năm 1971, theo ngành y. Trước khi bước chân ra đi, cha tôi có dặn dò là khi nào con thành tài, con phải trở về phục vụ đất nước. Như thế, việc đào tạo của con không uổng và con mới xứng đáng là con Rồng, cháu Tiên.
Năm 1989, khi trở về VN lần đầu tiên, tôi có dịp đi thăm cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện tại TPHCM. Tôi không thể đành lòng trước sự thiếu thốn ở hầu hết các bệnh viện. Trở về Bỉ, tôi không thể làm ngơ được trước cảnh mắt thấy tai nghe. Lời hứa với cha thôi thúc tôi hơn lúc nào hết. Tôi phải tìm cách giúp đỡ cho các bệnh nhân VN, cho đất nước VN".
Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng cho biết: Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng không thiếu người Âu, người Mỹ, người UÁc hay các nước khác sang Việt Nam trực tiếp giúp đỡ, chẳng lẽ người Việt sinh sống ở hải ngoại lại làm ngơ?". Còn TS Đỗ Thị Đông Xuân (Hungary) nghĩ: "Chừng nào dòng máu Việt còn chảy trong huyết quản, chúng tôi còn thấy mình có bổn phận và trách nhiệm đối với đất nước".
Từ những suy nghĩ đó, GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng - chuyên gia đầu ngành cơ học Bỉ, suốt hàng chục năm qua đã đào tạo 300 TS cho đất nước. Mỗi năm, ông về nước 6 tháng và mở những khoá đào tạo nhân lực. GS Trần Thanh Vân - Giám đốc khoa học, thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cũng âm thầm làm cầu nối giữa các nhà khoa học VN và các nhà khoa học nổi tiếng thế giới. TS hoá học Nguyễn Thành Mỹ (Canada) đã mang kiến thức của mình về đầu tư tại tỉnh Trà Vinh.
Chưa biết khai thác nguồn lực dồi dào Theo Uỷ ban Người VN ở nước ngoài, hiện có khoảng 300.000 kiều bào được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao. Tuy nhiên, số trí thức kiều bào về nước làm việc hàng năm chỉ dừng lại ở con số 200 lượt người.
GS-TS hoá học Lâm Thành Mỹ (Pháp) vẫn còn nhớ một câu chuyện buồn: Cách đây 2 năm, một chuyên gia cao cấp người Việt từng làm việc trong cơ quan giao thông của Pháp gửi hồ sơ lý lịch cho UBND TPHCM, để xin làm việc không lương cho dự án đường hầm tàu điện ngầm, nhưng không được hồi âm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình thừa nhận, trên thực tế việc huy động chất xám của trí thức kiều bào còn tự phát và manh mún, mới dừng ở việc mời các nhà khoa học về nước làm tư vấn cho một số dự án, tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Việc động viên khuyến khích các nhà khoa học kiều bào tầm cỡ tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước vẫn chưa làm được nhiều.
Trong khi đó, nhiều trí thức muốn đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình cho đất nước lại không biết trong nước cần gì và làm thế nào... "Chúng ta thiếu một cơ chế thông thoáng để trí thức kiều bào có nhiều cơ hội làm việc và phát triển, đóng góp trí tuệ của mình cho đất nước" - ông Bình nói.
GS Nguyễn Đăng Hưng đề xuất: "Tôi mong Chính phủ cho phép thành lập một "Câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật Việt kiều" để thu hút được tài năng, trí lực của cộng đồng cho đất nước".
Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình cam kết: Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Trí Minh
|