Iraq: Chưa thống nhất được dự thảo hiến pháp
Các Website khác - 15/08/2005
Iraq:
Chưa thống nhất được dự thảo hiến pháp

Hôm nay (15.8) là thời hạn chót phải hoàn tất dự thảo hiến pháp của Iraq theo đúng lịch trình đã định. Nhưng cho đến tối 14.8, các bên liên quan vẫn còn tranh cãi về một số điều khoản đang bất đồng.

Vẫn còn những tranh cãi về dự thảo
Hiến pháp của Iraq.

Từ đầu tuần trước, các quan chức Iraq đã nỗ lực chạy đua với thời gian để kịp trình dự thảo hiến pháp lên quốc hội đúng ngày 15.8 như đã định. Các bên đã nhất trí được nhiều vấn đề cơ bản như tên gọi của Nhà nước Iraq (Cộng hoà Liên bang Iraq), tôn giáo quốc gia (đạo Hồi), về quy chế lực lượng dân quân người Kurd... Vấn đề gây tranh cãi chính hiện nay là mô hình tổ chức Nhà nước Iraq.

Hiện tại, người Sunni đã chấp thuận các khu tự trị của người Kurd, vốn tồn tại suốt 14 năm qua ở phía bắc, nhưng không muốn thấy hệ thống này ở bất cứ vùng nào khác ở Iraq. Tranh cãi đã trở nên gay gắt cuối tuần trước, khi lãnh đạo đảng lớn nhất của người Shiite - ông Abdul-Aziz al-Hakim, muốn thành lập chính phủ tự trị cho người Shiite ở miền trung và nam Iraq. Điều này đồng nghĩa với việc người Shiite sẽ sở hữu các giếng dầu ở Kirkuk.

Các quan chức LHQ và Mỹ hôm 13.8 tiếp tục gây sức ép để người Sunni chấp thuận nội dung bản hiến pháp mới, nhưng một quan chức hàng đầu của Sunni tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bị khuất phục". Tổng thống Iraq Jalal Talabani hôm 14.8 cho biết, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiếp tục. Ông tỏ ý hy vọng, dự thảo hiến pháp sẽ được hoàn thành đúng thời hạn chót 15.8. Ông Mahmoud Othman - nghị sĩ người Kurd, thành viên Uỷ ban Soạn thảo hiến pháp - cảnh báo: "Nếu người Sunni không chịu chấp thuận thì chúng tôi vẫn cứ trình dự thảo lên quốc hội, dù họ có thông qua hay không".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hành động trên chẳng mang lại kết quả, bởi người Sunni có thể phủ quyết dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 15.10. Theo quy định, hiến pháp sẽ không được thông qua nếu có 2/3 số cử tri của 3 trong số 18 tỉnh ở Iraq bác bỏ. Mà người Sunni thì chiếm đa số ở những 4 tỉnh của Iraq. Xem ra, tiến trình dân chủ ở Iraq còn nhiều gian nan. C.T (Theo AFP)