Gia nhập WTO: Chính phủ cần nhập cuộc trước
Các Website khác - 10/10/2005
Kinh nghiệm gia nhập WTO của Trung Quốc:
Chính phủ cần nhập cuộc trước

Ông Cốc Nguyên Dương là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Á - Phi thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (ảnh). Nhân chuyến thăm VN dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, ông đã có mặt tại Hội thảo "VN gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức" để chia sẻ với VN kinh nghiệm của Trung Quốc khi gia nhập WTO.

´ Ông có phát biểu rằng, đất nước muốn gia nhập WTO thì chính phủ phải gia nhập trước. Điều đó nghĩa là gì?

- Những chế ước và quy phạm của WTO chủ yếu nhằm vào hành vi kinh tế đối ngoại của chính phủ các thành viên. Đối với những nước vẫn tồn tại nền kinh tế hành chính xét duyệt, kinh tế độc quyền, kinh tế thị trường chưa hoàn thiện như TQ và VN thì phải hết sức chú ý việc chuyển đổi hành vi hành chính của chính phủ. Nếu không sau khi gia nhập WTO, những hành vi kinh tế mậu dịch đối ngoại của chính phủ dễ trở thành đối tượng khiếu kiện của những thành viên khác, nhất là các nước phát triển, từ đó dễ rơi vào thế bị động phải đối phó.

Mục đích cốt lõi của việc cải cách mở cửa ở TQ chính là thực hiện những chuyển đổi về chức năng của chính phủ, xây dựng một thể chế quản lý kinh tế phù hợp hơn, thích ứng hơn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN, từng bước xoá bỏ hiện tượng chia tách theo mảng kiểu "mỗi sản phẩm do một bộ ngành quản lý, mỗi tỉnh thành nắm một khu vực kinh tế", giải quyết các vấn đề bộ ngành hoá, cá nhân hoá và lợi ích hoá quyền lực của nhà nước.

Mục đích chuyển đổi chức năng của chính phủ là chuyển hướng từ quản lý sang phục vụ, nâng cao hiệu suất hành chính, tăng cường tính minh bạch trong chính sách.

´ Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp gì?

- Chúng tôi cải cách chế độ xét duyệt hành chính, gây dựng những tổ chức trung gian xã hội. Những ngành dịch vụ trung gian hiện đại như hiệp hội ngành nghề, thương hội, kế toán, luật sư... là những thành phần quan trọng tham gia hoạt động kinh tế thị trường. Việc sắp xếp toàn diện các tổ chức này khiến chúng không còn lệ thuộc vào chính phủ nữa và xây dựng được hình tượng xã hội độc lập. Và quan trọng nhất là chúng tôi thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử.

Tuy nhiên cho tới nay, việc chuyển đổi chức năng của chính phủ mới chỉ đạt được thành quả mang tính giai đoạn, muốn chuyển đổi cơ bản còn rất nhiều công việc nữa.

´ Theo ông đâu là thách thức lớn nhất của Trung Quốc hậu WTO?

- Trước khi gia nhập WTO, có tới 40% các doanh nghiệp TQ chưa rõ việc gia nhập tổ chức này sẽ đem lại những cơ hội và thách thức gì, và phải ứng phó ra sao.

Sau khi gia nhập WTO, đồng thời với việc hưởng những quyền lợi của thể chế mậu dịch đa biên, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp của thị trường thế giới. Để ứng phó, con đường căn bản nhất là nâng cao nhận thức và tăng nhanh tiến trình cải cách, phát triển doanh nghiệp.

´ Nông sản luôn là vấn đề quan trọng đối với các nước nông nghiệp như TQ và VN. TQ giải quyết vấn đề này như thế nào? Sau 4 năm gia nhập WTO thì ngành nông nghiệp TQ phát triển ra sao?

- Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, thị trường nông sản phẩm luôn là vấn đề trọng tâm và nan giải. Về tổng sản lượng, sản phẩm nông nghiệp TQ đã trong tình trạng cung vượt cầu, quota nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp mà Chính phủ TQ cam kết tạo sức ép lớn đối với ngành nông nghiệp, làm giảm thu nhập của một bộ phận nông dân, thất nghiệp gia tăng.

Nhưng thực tế 4 năm đầu gia nhập WTO cho thấy, ngành nông nghiệp TQ vẫn giữ đà phát triển tương đối tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do TQ đã có những chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý trước và sau khi gia nhập WTO.

TR.M ghi