Giới khoa học quốc tế ủng hộ nạn nhân dioxin Việt Nam
Các Website khác - 17/03/2006
Giới khoa học quốc tế ủng hộ nạn nhân dioxin Việt Nam

Mỹ Hằng

Hội nghị khoa học quốc tế "Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam - những điều mong muốn" diễn ra tại Hà Nội từ 16 đến 17.3. Hơn 150 nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội từ 11 nước tham dự hội nghị sẽ gửi một bức thư tới toà án phúc thẩm Mỹ - nơi sẽ xét xử phúc thẩm vụ kiện của các nạn nhân dioxin Việt Nam.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn
Thị Bình (phải) phát biểu khai mạc
hội nghị.
1.000kg dioxin?
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kế Sơn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN, cho biết: Gần 25.600 thôn bản ở miền Nam VN bị rải chất hoá học. Có nhiều ước tính khác nhau khi nói đến số lượng chất độc dioxin quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam VN.

Các nghiên cứu khác nhau của các nhà khoa học Mỹ cho biết, con số này có thể là 170kg hoặc 366kg. Nhưng theo các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, có thể đã có tới 1.000kg dioxin được rải xuống VN. Thực tế, quân đội Mỹ không chỉ rải chất da cam xuống miền Nam VN, mà trong 80 triệu lít chất hoá học đó có tới 20 loại chất khác nhau, trong đó chất tím, chất xanh... cũng có dioxin.

Quyền sống bị tước đoạt
Nhà xã hội học Pháp Jacques Maitre đã trình bày nghiên cứu chuyên sâu của ông và các đồng nghiệp trong nhiều năm về hậu quả của dioxin tại vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế, giáp biên giới Lào, một trong những nơi bị rải chất độc nặng nề trong chiến tranh. Nghiên cứu của ông cho biết: "Giờ đây, chất độc da cam từ từ gây ra những dị tật rất nặng cho trẻ em... Chất dioxin đã phá huỷ ồ ạt tài sản quý giá nhất - việc truyền sự sống. Tại A Lưới, giám định khoa học chứng minh rằng, hiện nay, một vài điểm nóng có hàm lượng rất nguy hiểm chất dioxin trong đất, ở một số tế bào vật nuôi và trong sữa mẹ".

Đã có nhiều ước tính khác nhau về số nạn nhân dioxin ở VN, thấp nhất là 2,1 triệu và nhiều nhất là 4,8 triệu người. Các đại biểu dự hội nghị nhất trí rằng, các nạn nhân dioxin cần được giúp đỡ ngay, chứ không thể chờ đến khi xác lập mối liên hệ giữa dioxin với bệnh tật của con người như nhiều lập luận của phía Mỹ. Tiến sĩ Annika Johansson - nhà xã hội học người Thuỵ Điển, nói: "Đã có và ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy dioxin gây nên tỉ lệ hỏng thai ở động vật thực nghiệm rất cao". Bà cho rằng, ở VN, dioxin đã làm mất đi quyền sinh sản, quyền sống của nhiều gia đình nạn nhân, trong khi chính phủ và các công ty Mỹ vẫn từ chối trách nhiệm.

Tẩy độc ở Biên Hoà
Theo tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chính phủ VN đang tích cực triển khai nghiên cứu xác định chính xác quy mô, mức độ ô nhiễm dioxin ở các vùng nóng như sân bay Biên Hoà, sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng - những nơi nồng độ dioxin đo được cao gấp hàng trăm, hàng nghìn lần mức cho phép. Đáng mừng là trong năm nay, Chính phủ đang triển khai tẩy độc triệt để ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà bằng kinh phí của mình. Việc tẩy độc cần kỹ thuật phù hợp và kinh phí tới hàng chục triệu USD, đồng thời cần những biện pháp phòng chống nhiễm dioxin cho nhân dân quanh vùng nóng. Đối với các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, VN đang vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ để có thể sớm tẩy độc trong năm tới.