Hãy để lá có khả năng quay về nguồn cội...
Kỳ III:
Quê hương, đất nước, tình người, văn hoá của người Việt bao la và sâu sắc vô cùng. Chỉ có sống xa đất nước, tiếp cận với nền văn hoá xa lạ mới thấy nhớ thương văn hoá Việt. Chiến tranh tưởng đã tàn phá sự đoàn kết của người Việt, nhưng truyền thống tốt đẹp đang dần hồi phục. Người Việt ở hải ngoại rồi sẽ nghĩ lại: Sống như thế nào là đúng, trách nhiệm đóng góp cho quê hương, cho bản sắc văn hoá dân tộc như thế nào. (Lê Thành Giai, người Việt định cư tại California - Mỹ)
Phạm Viết Đào:
| Elvis Phương và các người mẫu trong tiết mục "Áo em sứt chỉ đường tà" của chương trình Duyên dáng Việt Nam tại Australia. |
Đọc những lời tâm sự chân thành của anh, tôi thấy việc quan tâm tới đời sống văn hoá tinh thần của bà con hải ngoại đang là một vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc. Trong nước hiện đang dùng khái niệm "hoà nhập nhưng không hoà tan". Chúng tôi thành tâm mong bà con hải ngoại cố gắng thích nghi trước hết về đời sống kinh tế, tuân thủ luật pháp nước sở tại, có những đóng góp tích cực về kinh tế, trật tự và văn hoá xã hội, có điều kiện góp thêm bản sắc văn hoá của mình vào hương sắc của cộng đồng bản địa là việc khó nhưng quý. Bà con hải ngoại cố gắng đừng trở thành một bộ phận bên rìa của văn hoá bản địa, nhưng cũng tránh tự biến mình thành một thứ "ốc đảo"? Để làm được việc này, theo anh, Nhà nước Việt Nam cần làm gì?
Lê Thành Giai: Vấn đề anh nêu thật là phù hợp với tình hình hiện nay đối với bà con Việt kiều. Để xây dựng lại tinh thần văn hoá Việt Nam tại hải ngoại, thật sự rất cần một chiến lược văn hoá có tính lâu dài. Chúng tôi mong Nhà nước thiết lập điểm xuất phát cho vấn đề: Vận động lòng tự tôn, yêu quý và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Theo tôi, vấn đề giáo dục cần đặt lên hàng đầu. Rất nhiều người Việt lớn tuổi chạy sang Mỹ không nhận thức được những vấn đề của thời hậu chiến. Đến Mỹ, họ phải dấn thân vào việc mưu sinh, không có điều kiện trau dồi kiến thức. Họ rất dễ bị đầu độc bởi các phần tử cực đoan.
Hãy tập hợp tấm lòng yêu văn hoá dân tộc của họ, rồi mới kêu gọi họ đầu tư hoặc góp sức xây dựng đất nước. Hãy làm cho người Việt ở hải ngoại hiểu thấu tấm lòng của Nhà nước Việt Nam trong các nỗ lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Hãy thu phục lòng người hải ngoại bằng chính nghĩa, bằng sự nhất quán trong chính sách và sự trưởng thượng trong ứng xử.
Tôi có thể tâm sự với anh rằng: Tôi không thể theo văn hoá Mỹ và không vui khi nhìn thấy một cộng đồng người Việt lại thiếu nét văn hoá Việt Nam tại Mỹ. Hãy làm cho người Việt ở hải ngoại thức tỉnh để cứu những thế hệ người Việt - Mỹ tiếp theo. Chỉ khi nào bà con hải ngoại thấu hiểu các chính sách cởi mở của Nhà nước Việt Nam sẽ tự động quay về với cội nguồn dân tộc. Hiện nay điều này chưa được quảng bá sâu rộng, chưa kể còn bị sự đầu độc, xuyên tạc.
Nhân cơ hội Việt - Mỹ giao thương, ngành văn hoá-thông tin Việt Nam nên tranh thủ đưa các sản phẩm văn hoá văn nghệ vào các cộng đồng người Việt dưới các hình thức: Trao tặng sách các thư viện tại California như một bước thử nghiệm. Sau đó tiếp tục đưa sang các nơi khác như Texas, Oregon, New York. Trong tình cảnh đang nghèo nàn về các loại hình văn hoá hiện nay, tôi nghĩ 80% người Việt ở hải ngoại sẽ hân hoan đón nhận các món quà tinh thần trong nước gửi sang.
Hãy tiến hành các cuộc điều tra: Người Việt ở hải ngoại muốn gì? Cần phải quảng bá chính sách khoan hồng, trưởng thượng của Nhà nước Việt Nam để cho những người không muốn về, không dám về hiểu được tấm lòng của Nhà nước Việt Nam. Người Việt ở hải ngoại sau 35 năm phần lớn vẫn ăn cơm dưa, nói tiếng Việt. Trước khi có chiến tranh, chúng ta là người Việt. Chân lý ở chỗ đó! Hiện nay ở hải ngoại những người già đều muốn quay về Việt Nam. Thế hệ trẻ chưa biết đến Việt Nam, bổn phận của chúng ta là giúp cho con em hiểu biết và gắn bó với quê hương!
Theo tôi đó là một trong những kế sách để cho "lá có khả năng quay về nguồn cội"!
Báo Lao Động trân trọng cảm ơn dịch giả Phạm Viết Đào và ông Lê Thành Giai vì cuộc trò chuyện thú vị này và chân thành chúc hai ông cùng gia đình một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Kỳ I: Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm góp phần đánh thức lương tâm Văn hoá Mỹ không đủ sức biến người Việt thành người Mỹ |