Kosovo - nguy cơ khủng hoảng sau một cái chết Goran Vasiljevic (từ Belgrade) viết riêng cho Lao Động Ibrahim Rugova - Chủ tịch Đảng Dân chủ của người Albania, Tổng thống Kosovo - đã chết vì bệnh ung thư phổi tại nhà riêng ở Prishtina đêm 21.1, thọ 61 tuổi. Ngay lập tức, ông Soren Jesen Petersen - người đứng đầu bộ máy hành chính do Liên Hợp Quốc uỷ trị tại Kosovo (UNMIK) - đã triệu tập cuộc họp giữa thủ lĩnh các đảng phái ở Kosovo, nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng chính trị ở vùng lãnh thổ ly khai này của Serbia.
Rugova sinh năm 1945. Sau khi có bằng thạc sĩ từ Pháp trở về, ông giảng dạy văn chương tại Prishtina rồi trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Kosovo. Năm 1989, ông ta đứng ra thành lập Liên minh Dân chủ Kosovo - đảng chính trị đầu tiên ở tỉnh này và bị khai trừ khỏi Liên đoàn Cộng sản. Kể từ đó, phương Tây bắt đầu xem ông ta là "nhân vật bất đồng chính kiến". Dưới sự hô hào của Rugova, ngày 2.7.1990, các đại biểu người Albania trong Nghị viện Kosovo đã tuyên bố vùng lãnh thổ này là nước cộng hoà độc lập, buộc Quốc hội Serbia giải tán nghị viện tỉnh. Người Albania liền lập ra thể chế song song và được sự ủng hộ của phương Tây, họ bắt đầu cuộc chiến chống lại chính quyền Serbia, giành độc lập cho mảnh đất vốn là một phần lãnh thổ của Serbia. Các nhà phân tích đều thống nhất ở một điểm: Cái chết của Rugova đẩy các đảng phái chính trị người Albania ở Kosovo đến bờ vực khủng hoảng. Có hai vị trí mà chính khách người Albania nào cũng muốn giành lấy. Đó là chiếc ghế Chủ tịch Liên minh Dân chủ Kosovo và Trưởng đoàn đàm phán về quy chế tương lai của Kosovo. Hai vị trí này trước đều do Rugova nắm giữ. Người ta lo ngại rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để lực lượng KLA vốn vẫn còn bất hợp pháp nổi dậy như một nhân tố chính trị mới ở Kosovo. Chính vì vậy mà các quan chức của UNMIK đã lên tiếng cảnh báo: "Kosovo sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề thời kỳ hậu Rugova. Chúng ta cần phải duy trì tình hình thật yên tĩnh, tuyệt đối không để xảy ra những hành động quá khích". Điều này cũng khiến cộng đồng người Serb sinh sống tại Kosovo lo ngại. Cảnh giác trước nguy cơ diễn biến xấu, họ đã tổ chức các nhóm tự vệ để bảo vệ người Serb. Thực ra cái chết của Rugova không phải là điều gì bất ngờ vì đã được phát hiện mắc ung thư từ tháng 9.2005. Chính vì vậy mà số phận tương lai của Kosovo không có vai trò của ông ta cũng đã được trù tính. Các quan chức UNMIK khẳng định rằng, cái chết của Rugova sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc đàm phán: "Toàn bộ chiến lược đàm phán đã được hoạch định, nhưng sẽ có nhiều áp lực lên chính trường Kosovo!". Cũng giống như những người Serb sinh sống tại Kosovo, bà Sandra Raskovic-Ivic - người đứng đầu Trung tâm Điều phối Kosovo của Serbia - thông báo rằng, điều khiến bà lo ngại là việc lựa chọn người kế nghiệp của Rugova: "Trong số các chính khách người Albania, tôi chỉ thấy có hai người biết điều là Rugova và Venton Suroi, bởi họ có chung ý tưởng về tương lai của Kosovo. Tất cả những người khác đều có thể được dán mác là "dân chủ trên đầu súng". Đây là mối nguy hại tiềm năng đối với người Serb. Tôi sợ rằng một trong số đó sẽ nắm giữ vị trí của Rugova nay mai". Còn ông Oliver Ivanovic - một nhà hoạt động người Serb - thì cho rằng "người Serb phải cực kỳ thận trọng vào thời điểm này, vì họ có thể trở thành nạn nhân trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái người Albania". Quỳnh An dịch |
▪ Nguy cơ những "cuộc chiến khí đốt" mới (24/01/2006)
▪ Hải quân Mỹ bắt cướp biển ngoài khơi Somalia (24/01/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (24/01/2006)
▪ Chiếc xe bus giá 4,5 triệu USD (23/01/2006)
▪ Những vấn đề nóng bỏng của Hội nghị cấp cao AU (23/01/2006)
▪ Tổ chức Hồi giáo của Mỹ nỗ lực giải cứu con tin (23/01/2006)
▪ Indonesia xác nhận ca tử vong thứ 14 do cúm gà (23/01/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (23/01/2006)
▪ Giải cứu cá voi bất thành (22/01/2006)
▪ Nói thật chẳng sợ mất lòng (22/01/2006)