Ít hy vọng đạt thoả thuận dệt may Mỹ - Trung
Các Website khác - 28/09/2005
Vòng 3 đàm phán Mỹ - Trung về hàng dệt may:
Ít hy vọng đạt thoả thuận

Vòng ba cuộc đàm phán về hàng dệt may giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) diễn ra tại Washington trong hai ngày 26-27.9, với rất ít hy vọng đạt được một thoả thuận tổng thể về hàng dệt may nhập khẩu từ TQ vào thị trường Mỹ, sau khi hai vòng đàm phán trước hồi đầu tháng vẫn giữ nguyên thế bế tắc.

Một hiệu bán hàng dệt TQ.
Cuộc chiến" hàng dệt may Mỹ - TQ cũng tương tự như những gì đã xảy ra giữa TQ với Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi chế độ hạn ngạch (quota) toàn cầu được bãi bỏ kể từ ngày 1.1 năm nay, lượng hàng may mặc xuất khẩu của TQ lập tức tràn ngập các thị trường EU và Mỹ, làm đau đầu các nhà sản xuất sở tại.

Riêng đối với Mỹ, trong vòng 7 tháng qua, lượng hàng may mặc nhập khẩu từ TQ đã tăng trung bình tới 627% lên 850 triệu sản phẩm, và theo phàn nàn của các nhà sản xuất thì hậu quả nhãn tiền là có gần 400.000 việc làm (chiếm 38% tổng số) đã bị mất và hàng chục nhà máy bị đóng cửa.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bush cũng phải chịu sức ép rất lớn từ quốc hội đòi phải có lập trường cứng rắn hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ TQ, để điều chỉnh lại cái mà các nghị sĩ cho là sự mất cân đối về thương mại lớn nhất từ trước tới nay giữa Mỹ với một quốc gia riêng lẻ, khi thâm hụt cán cân thương mại Mỹ - TQ năm ngoái đã tới mức 162 tỉ USD.

Vì vậy, mục tiêu mà các nhà sản xuất Mỹ muốn đạt được là kiềm chế tốc độ gia tăng hàng dệt may nhập khẩu từ TQ ở mức gần 7,5%/năm từ nay cho tới năm 2008, trong khi phía TQ muốn điều ngược lại - nâng tỉ lệ tăng trưởng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ lên 15%/năm.

Cũng giống như với EU, lập trường của Bắc Kinh được giới bán lẻ nước sở tại ủng hộ, bởi họ không muốn phải chuyển hướng tìm kiếm đối tác sang các nước khác khi mùa bán hàng Giáng sinh và năm mới đã cận kề. Tuy vậy một số nhóm vận động của Mỹ vẫn cho rằng, Washington không nên nhượng bộ như EU, mà cần "phong toả" hàng dệt may TQ để bảo hộ nền công nghiệp trong nước.

Hiện có một đạo luật đang chờ được Quốc hội Mỹ thông qua về việc đánh thuế 27,5% lên toàn bộ hàng nhập khẩu TQ, nếu Bắc Kinh không chấp thuận tiếp tục tăng giá trị đồng nhân dân tệ so với đồng USD để tránh nghịch cảnh hàng hoá TQ quá rẻ tại thị trường Mỹ, trong khi hàng hoá Mỹ lại quá đắt tại TQ.

L.L.Q (Theo AP, AFP)