Xoá nợ 55 tỉ USD cho các nước nghèo nhất thế giới
Các Website khác - 27/09/2005
Xoá nợ 55 tỉ USD cho các nước nghèo nhất thế giới

Niger là một trong 18 nước
được xoá nợ đợt đầu.
Ngày 24 và 25.9, sau hàng loạt cuộc họp của lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), hai tổ chức này đã ủng hộ thoả thuận xoá nợ cho 18 nước nghèo nhất thế giới.

Trả nợ 100 triệu USD/ngày
Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển đạt được thoả thuận sơ bộ về xoá nợ nhân Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Scotland hồi mùa hè vừa qua. Giờ đây, với việc IMF và WB đồng ý với các điều kiện xoá nợ, các nước nghèo trong thoả thuận sẽ thoát được 100% gánh nặng nợ đối với các tổ chức cho vay này. Tất nhiên thoả thuận xoá nợ còn phải được ban giám đốc của IMF và WB thông qua, nhưng khả năng được thông qua là rất lớn.

Giai đoạn đầu tiên, chương trình sẽ xoá nợ đa phương trị giá gần 40 tỉ USD ở 18 nước nghèo nhất, trong đó có 14 nước Châu Phi. Khoảng 70% số nợ này là các nước nợ WB, số còn lại là nợ đối với IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Phi.

18 nước được xoá nợ trong giai đoạn đầu đã thực hiện được các điều kiện cụ thể về kinh tế và cơ cấu lại do WB đề ra để đổi lấy việc xoá nợ này. Giai đoạn hai, 20 nước nữa cũng sẽ hội đủ các điều kiện để được xoá nợ và như vậy tổng số nợ được xoá bỏ trong cả hai giai đoạn sẽ là 55 tỉ USD.

Theo tính toán của tổ chức phi chính phủ về phát triển Oxfarm International, mỗi ngày các nước nghèo phải chi 100 triệu USD cho việc trả nợ. Đối với mối quan ngại rằng việc xoá nợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng của WB tiếp tục cho các nước nghèo khác vay tiền, G8 đã cam kết chi trả toàn bộ chi phí thực hiện.

Điều kiện áp đặt
Các nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng hoan nghênh thoả thuận xoá nợ là một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa các nhà tài trợ và các con nợ. Tuy nhiên, tiếng nói chung của họ là cần phải có nhiều nước được hưởng lợi hơn nữa và ít điều kiện áp đặt cho các nước này hơn nữa. Các nhà hoạt động cho rằng, tác động thực sự của thoả thuận xoá nợ đối với cuộc chiến chống đói nghèo phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện áp đặt.

Martin Powell - thành viên Tổ chức World Development Movement - nói: "Hơn 40 nước nữa cần được xoá nợ ngay lập tức. Để đủ điều kiện, họ sẽ phải thực hiện các chính sách kinh tế như tư nhân hoá và tự do thương mại. Thế nhưng thường thì việc này dẫn tới gia tăng đói nghèo và làm xói mòn dân chủ".

Nhóm này dẫn ra một nghiên cứu của Tổ chức Phát triển và Thương mại của Liên Hợp Quốc cho thấy, những nước kém phát triển nhất từng thực hiện cải cách theo hướng thị trường tự do từ những năm 1990, nay đang chịu nạn nghèo khổ, thất nghiệp gia tăng, lương bị giảm và khoảng cách lương cũng gia tăng.

Trên thực tế, để giám sát hiệu quả của các khoản vay theo điều kiện của WB và IMF, chính phủ các nước nghèo phải điều chỉnh tỉ giá hối đoái, xoá bỏ kiểm soát giá cả, thông qua ngân sách của chính phủ thích hợp với khung tài chính của chương trình cho vay.

Hậu quả của những biện pháp này là các nước nghèo cũng phải từ bỏ các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa, giảm chi tiêu xã hội, cho phép tư nhân hoá nhiều hơn trong nền kinh tế, do vậy dẫn đến nhiều khó khăn cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Vĩnh Nguyên (Theo AFP, BBC)