Sự lúng túng của nước nghèo
Các Website khác - 25/09/2005
Sự lúng túng của nước nghèo

Kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2003, VN đã có 91 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 44 người đã chết. Liệu bài học này có giúp chúng ta đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để đối phó với đại dịch cúm gia cầm sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu?

Hiện nay mọi dự đoán về địa điểm bùng nổ đại dịch cúm gia cầm đang hướng về khu vực Đông Nam Á. Nhưng đây lại là một trong những khu vực ít có sự chuẩn bị nhất. Cho đến nay, mới chỉ có Thái Lan có kế hoạch nghiêm túc đối phó với đại dịch này và đã lập kho dự trữ thuốc kháng virus. Theo khuyến cáo của WHO, khi có dịch xảy ra cần phải tiêu huỷ toàn bộ gia cầm trong vùng nhiễm bệnh, nhưng nhiều nước không làm theo. Ví dụ Indonesia đã tiến hành chiến dịch tiêm vaccine cho gia cầm và chỉ tiêu huỷ một số lượng khá hạn chế vì họ không có đủ tiền để bù đắp thiệt hại cho nông dân. Và hiện nay, đất nước này đang phải đối phó với dịch bệnh leo thang với số người chết và nhiễm bệnh tăng lên hàng ngày.

Còn VN, nơi có nhiều người chết nhất kể từ khi dịch cúm gà xuất hiện ở Châu AÁ, cũng chưa có kế hoạch cụ thể cho nguy cơ đại dịch sắp xảy ra. Số lượng Tamiflu hiện có của nước ta là 600.000 viên, một con số quá ít ỏi so với mối đe doạ khổng lồ, nhưng lại do Đài Loan tài trợ. Và cũng giống như Indonesia, VN đặt hi vọng vào việc tiêm vaccine phòng chống cúm gia cầm. Hiện nay Nhà nước đã bỏ ra 750 tỉ đồng tiêm vaccine cho gia cầm trên toàn quốc, nhưng thật khó có thể tin tưởng về hiệu quả của nó khi lực lượng thú y quá mỏng, còn người nông dân thì quá thiếu hiểu biết.

Một cán bộ thú y của Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, nhiều người dân không đồng ý tiêm chủng cho gia cầm của họ, và theo nhận xét của cán bộ này thì việc tiêm vaccine hiện nay chỉ mang tính "phong trào", được đến đâu hay đến đó. Chưa kể, thời gian 56 ngày cho 2 mũi tiêm quả thực là quá dài so với vòng đời của một con gà hay vịt. Và trong thời gian đó, ai dám chắc chắn là những gia cầm này không được bày bán công khai ở một nơi nào đó? Hàng ngày các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đều đặn đưa tin về chiến dịch tiêm vaccine ở nơi này hay nơi nọ với những con số khá ấn tượng, nhưng hàng ngày chúng ta cũng vẫn chứng kiến những dòng gia súc gia cầm từ mọi miền quê đổ dồn về các thành phố (ảnh).

Vậy là hàng trăm tỉ đồng nhà nước bỏ ra sẽ khó lòng đạt được hiệu quả mà các nhà quản lý mong muốn. Và trong thời gian "chờ" đại dịch bùng phát khi H5N1 biến đổi thành chủng có thể truyền từ người sang người, rất có thể nhà nước lại phải tiếp tục mở hầu bao (mỗi lần ngót nghét nghìn tỉ đồng) cho những chiến dịch tiêm vaccine mới. Vì theo các chuyên gia, H5N1 có khả năng thay đổi rất nhanh để tạo ra các chủng mới, và hiệu quả kháng nguyên do vaccine cũ mang lại trên cơ thể gia cầm sẽ trở nên vô tác dụng đối với các chủng virus mới này.

Sự lúng túng của các nhà quản lý, sự kém hiệu quả trong các chiến dịch phòng ngừa, và cả sự hồn nhiên của người dân do thiếu hiểu biết đang đặt VN và các nước nghèo ở Đông Nam AÁ trước một hiểm hoạ chưa từng có trong lịch sử. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những kế hoạch đối phó triệt để và cụ thể để có thể hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả mà đại dịch cúm gà trên toàn cầu mang lại. Kỳ Phong