Kế hoạch triệt thoái của Israel khỏi Gaza: Ngày đầu tiên cưỡng chế di dời
Các Website khác - 18/08/2005
Kế hoạch triệt thoái của Israel khỏi Gaza:
Ngày đầu tiên cưỡng chế di dời

Hàng nghìn người dân Palestine hôm 17.8 tiếp tục đổ xuống đường kỷ niệm thời điểm lịch sử chấm dứt 38 năm chiếm đóng của Israel tại dải Gaza. Trong khi đó, đoàn xe đầu tiên của quân đội Israel (IDF) hơn 100 chiếc đã vượt qua biên giới tiến vào Gaza, để bắt đầu thực thi kế hoạch cưỡng chế những người định cư vẫn phản đối kế hoạch triệt thoái.

Ngày không yên tĩnh

Một cô gái Do Thái phản đối cưỡng
chế di dời khỏi dải Gaza.
Hai ngày đầu thực hiện kế hoạch triệt thoái khỏi dải Gaza của Chính phủ Israel diễn ra khá suôn sẻ, với chỉ rất ít sự cố xảy ra và mức độ các cuộc tấn công từ phía các phần tử vũ trang Palestine cũng giảm đáng kể. Song sang tới ngày thứ ba - bắt đầu từ sau thời hạn chót để những người định cư Do Thái tự nguyện di dời là vào lúc nửa đêm 16.8 - tình hình hứa hẹn khá nóng bỏng.

Để đảm bảo cho tiến trình triệt thoái, Israel đã cam kết huy động 55.000 binh lính và 8.000 cảnh sát tham gia chiến dịch. Đồng thời trước thời hạn cuối cùng, Tướng Dan Harel chỉ huy quân đội Israel ở khu vực Gaza, đã tuyên bố IDF sẽ bắt đầu chiến dịch di dời những người định cư còn lại khỏi Neveh Dekalim - khu định cư lớn nhất ở Gaza, nơi có khoảng 2.600 người định cư đã sinh sống lâu dài và nay được bổ sung thêm hàng trăm phần tử cực đoan phản đối tập trung tại đây - ngay sau nửa đêm 16.8 và những ai không tự nguyện di dời sẽ bị quân đội cưỡng chế. Từ 10 giờ tối 16.8, quân đội và cảnh sát Israel đã tràn vào khu định cư này và chiếm lĩnh các vị trí để có thể thực hiện cưỡng chế ngay khi cần thiết.

Theo Đài phát thanh Israel, tính tổng cộng cảnh sát Israel đã bắt giữ tới 830 người kể từ đêm 15.8, bao gồm cả những người tìm cách thâm nhập vào Gaza lẫn những kẻ chống đối ngăn cản người định cư di dời. Ngoài ra còn có khoảng 1.000 người phản đối nữa nằm ỳ cắm trại bên ngoài tư dinh của Thủ tướng Sharon ở Jerusalem để gây sức ép.

Ngày 16.8 đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa IDF với người định cư, làm 4 cảnh sát Israel bị thương. Tuy vậy, khi đêm xuống, ba khu định cư Dugit, Peat Sadeh và Rafiah Yam được báo cáo là đã hoàn toàn trống rỗng, trong khi tại ba khu định cư khác, đa số người định cư cũng đã tự nguyện dời đi. Một số khu khác nữa cũng thưa hẳn bóng người.

Vòng xoay lịch sử
Đoàn xe đầu tiên của IDF bị 50 phần tử cực đoan chặn đường tiến vào khu vực nằm giữa trại Reim và lối vào Gaza, buộc lực lượng cảnh sát và binh lính vũ trang phải xuống xe và lôi từng người để dọn đường. Sau đó, khi đoàn xe tiến vào khu định cư Gush Katif ở Ganei Tal thì được tin cư dân tại đây đã đồng ý dời đi một cách hoà bình vào lúc 10 giờ GMT.

Theo ước tính của phía Israel, tới lúc đó đã có khoảng một nửa trên tổng số 1.600 hộ gia đình với hơn 8.500 người định cư tự nguyện di dời. "Tôi nhìn về tương lai với niềm hy vọng rằng cái giá mà chúng ta phải trả cuối cùng sẽ đem lại một sự thay đổi tích cực cho tình hình Israel" - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Shaul Mofaz phấn khởi bày tỏ.

Từ phía Palestine, không chỉ người dân mà cả nhiều phần tử vũ trang cũng tổ chức ăn mừng sự kiện này. Dải Gaza chỉ rộng 140 dặm vuông và là vùng đất ven biển nằm giữa Israel với Địa Trung Hải, là nơi có khoảng 1,3 triệu người Palestine sinh sống. Thời điểm Israel triệt thoái khỏi Gaza được coi là bước ngoặt trong cuộc xung đột Trung Đông, dù trước đó Israel cũng đã triệt thoái khỏi một vùng đất khác bị chiếm đóng từ năm 1967 và trả lại cho Ai Cập để đổi lấy một hiệp ước hoà bình. Đây là lần đầu tiên Tel Aviv quyết định triệt thoái khỏi vùng lãnh thổ mà người Palestine cho tới nay vẫn khẳng định mảnh đất để xây dựng nhà nước tương lai của họ. Linh Quyên (Theo BBC, CNN)