Kêu gọi tăng cường viện trợ cho Quỹ Toàn cầu
Báo Tiếng chuông - 27/05/2016
Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) hiện đang phát động Chiến dịch “Fund the Fund” trên 36 nước, nhằm kêu gọi 3 nước Trung Quốc, Nhật, Đức tăng nguồn viện trợ tối thiểu 13 tỷ USD bổ sung vòng 5 (2017-2019) cho Quỹ Toàn cầu (QTC).
Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ phát động Chiến dịch “Fund the Fund” - Ảnh: Ninh Hương

 

AHF tái khởi động chiến dịch “Fund the Fund”

AHF là một tổ chức phi chính phủ chuyên về AIDS đứng đầu toàn cầu. Hiện nay, AHF cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 595 nghìn bệnh nhân tại 35 quốc gia trên thế giới. Sứ mệnh của AHF là “Điều trị mang lại sự sống mà không quan tâm đến khả năng chi trả của người bệnh”.

Trong suốt những năm qua, AHF đã tham gia vào nhiều sáng kiến vận động liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến Quỹ Toàn cầu (QTC), trong đó bao gồm cải cách quản lý, tối ưu hóa và tái chương trình tài trợ, và vận động Bổ sung tài trợ.

Với sự kiện Vòng bổ sung lần thứ 5 của QTC sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay, AHF tái khởi động chiến dịch “Fund the Fund” để kêu gọi các nước tài trợ cam kết tài trợ đầy đủ cho QTC trong chu kỳ 3 năm tiếp theo từ 2017-2019.

Qua những vòng bổ sung trước đây, nguồn tài trợ vẫn không có gì thay đổi, đây là một điều đáng lo ngại phản ánh xu hướng giảm tổng kinh phí tài trợ cho phòng, chống AIDS trên toàn cầu. Nếu như không có sự đẩy mạnh thực sự trong nguồn tài trợ đến năm 2020, thế giới sẽ đứng trước nguy cơ đánh mất những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống AIDS cũng như lao và sốt rét. Vì vậy, đây chính là lúc để hành động.

QTC là tổ chức y tế công cộng đi đầu trong cuộc chiến này, vì vậy sự ủng hộp tiếp tục của các nhà tài trợ đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của QTC.

Trong số những cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, Trung Quốc, Đức, Nhật phải nỗ lực nhiều hơn để giúp duy trì và tài trợ đầy đủ cho QTC. Chúng ta cần phải nhấn mạnh tại sao những nước này cần phải đóng góp cho QTC? Tính mạng của hàng triệu con người phụ thuộc vào kết quả của vòng bổ sung lần thứ 5 của QTC.

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét là một tổ chức gây quỹ  đa dạng đứng đầu thế giới với mục tiêu chiến đấu với 3 dịch bệnh nguy hiểm xuyên quốc gia. Đây là một ví dụ xuất sắc cho các chương trình phát triển thành công, trong đó có hình thành và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển để đạt được những thành tựu y tế công cộng trên quy mô toàn cầu.

Các thành viên của nhóm G8 và các quốc gia hỗ trợ thành lập QTC vào đầu những năm 2000, bởi vì họ nhận thấy những bất lợi về vấn đề nhân đạo, kinh tế và y tế công cộng sẽ khiến cho người dân ở những nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi chi phí cho điều trị AIDS, lao và sốt rét.

Gần 9 triệu người nhiễm HIV được cứu sống

Sự đầu tư cho QTC đã mang lại những kết quả ấn tượng. Hơn 470 triệu người đã được xét nghiệm HIV nhờ vào các chương trình hỗ trợ của QTC. Khoảng 8.6 triệu người đang được cứu sống bằng liệu pháp điều trị kháng virus và 16 triệu người đồng nhiễm lao/HIV đã được điều trị. Gần 3.3 triệu bà mẹ đã tiếp cận với điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và 560 triệu người mắc sốt rét đã được điều trị.

QTC cũng đóng vai trò thiết yếu đối với việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ, đây là một khía cạnh quan trọng trong quá trình phát triển nhưng hay gặp phải sự thờ ơ tại nhiều nước. Chúng ta vẫn biết rằng phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang giữ tỷ lệ dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi HIV cao. Ví dụ như ở Châu Phi là châu lục có tỷ lệ trẻ vị thành niên bị nhiễm mới HIV là các bé gái lên đến 74%.

QTC đang giải quyết thách thức này bằng mục tiêu cụ thể là dành 50-60% tổng nguồn tài trợ cho phụ nữ và trẻ em gái với mong muốn thu hẹp lại khoảng cách chênh lệch. Tính bền vững của phương pháp này cần được đảm bảo bằng mọi giá, bởi vì nếu không giải quyết được các nhu cầu y tế của phụ nữ, sự ứng phó với AIDS trên toàn cầu sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Thật khó có thể  đếm được con số chính xác những số phận mà QTC đã giúp thay đổi cuộc sống hay hàng ngàn trẻ em không bị rơi vào tình cảnh bị mồ côi vì bố mẹ mắc bệnh tật. QTC đã cứu sống hàng chục triệu người và để làm được điều này thì phần lớn dựa vào sự cam kết đóng góp nguồn lực của các quốc gia giàu có.

Những thành tựu kể trên, tuy nhiên, đang gặp phải thách thức không nhỏ. Với sự giảm đáng kể về nguồn tài trợ từ các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, QTC không thể đạt mục tiêu gây quỹ từ năm 2010. Trong năm đó, QTC đã đặt ra mục tiêu cao nhất là 20 tỷ USD (số tiền cho phép triển khai các chương trình có sẵn cũng như gây quỹ cho các chương trình mới) và mục tiêu tối thiểu cần đạt được là 13 tỷ USD để giúp duy trì các chương trình đang hoạt động. Tuy nhiên, nguồn tài trợ QTC nhận được chỉ lên đến 12 tỷ USD. Ở hội nghị bổ sung cho 2014-2016, QTC phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã hạ mục tiêu xuống còn 15 tỷ USD và cũng chỉ đạt được 12 tỷ USD. Để chuẩn bị cho Vòng bổ sung diễn ra sắp tới, một lần nữa mục tiêu lại giảm xuống còn 13 tỷ USD.

Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nếu tình trạng thiếu hụt kinh phí tiếp tục diễn ra và dịch vụ điều trị HIV không được mở rộng vào năm 2020, nó có thể dẫn đến tình trạng 21 triệu trường hợp tử vong và có thêm 28 triệu người bị nhiễm HIV đến năm 2030. Nếu điều này xảy ra, thế giới sẽ phải trả thêm 24 tỷ USD hàng năm để điều trị ARV đến năm 2030. Cùng với những chi phí gián tiếp liên quan đến giảm năng suất và chăm sóc y tế dài hạn cho những bệnh nghiêm trọng, cái giá phải trả trung và dài hạn cho sự không hành động kịp thời có thể sẽ rất kinh ngạc.

Tại sao cần kêu gọi 3 nước Trung Quốc, Đức và Nhật?

QTC cần sự tăng đột biến trong nguồn hỗ trợ của các nhà tài trợ truyền thống để có thể đạt hay thậm chí vượt mục tiêu 13 tỷ USD cho Vòng tài trợ bổ sung lần thứ 5. 5 nền kinh tế đứng đầu thể giới theo đánh giá dựa trên GDP danh nghĩa bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh hỗ trợ không đồng đều cho QTC.

Để đảm bảo tính bền vững và thành công của QTC, Trung Quốc, Đức, Nhật cần đẩy mạnh hỗ trợ cho QTC. Từ năm 2010, Mỹ tài trợ 6,9 tỷ USD cho QTC, Anh đóng góp 2,3 tỷ USD, Đức đóng góp 1,56 tỷ USD, Nhật đóng góp 1,3 tỷ USD và Trung Quốc đóng góp 26 triệu USD.

Một cách khác để đánh giá mức độ đầu tư cho QTC là so sánh sự đóng góp của các nền kinh tế hàng đầu thế giới dựa vào dân số của những nước đó. Theo như những phân tích về lịch sử quy mô dân số và những đóng góp cho QTC, đóng góp bình quân đầu người cho QTC từ năm 2010 - 2015 của 5 nước lần lượt xếp hạng: Trung Quốc 0,003 USD, Nhật Bản 1,71 USD, Mỹ 3,73 USD và Anh 6,41 USD.

Đánh giá từ sự chênh lệch trong số tiền tài trợ của các quốc gia, chúng ta có thể nhận thấy chính phủ của từng nước có cách nhìn khác nhau đối với các dịch vụ công cộng được phát động bởi QTC, chủ yếu dưới hình thức cải thiện y tế công cộng toàn cầu, số ca nhiễm mới giảm, tỉ lệ giảm năng suất giảm và nguồn lợi từ việc đầu tư vào giáo dục và y tế tăng lên.

Ở mức độ kinh tế vĩ mô, tất cả các nước đều mong muốn được hưởng lợi từ một xã hội giàu có. Tuy nhiên, đối với trường hợp của QTC, chi phí bỏ ra để đạt được lợi ích là không đồng đều giữa các nhà tài trợ.

Mong muốn chia sẻ trách nhiệm cho sự cải thiện và duy trì dịch vụ y tế công cộng toàn cầu và sự không chung sức đồng lòng với các nước tài trợ khác, Trung Quốc, Đức và Nhật cần thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Vòng bổ sung lần thứ 5 bằng cách tăng sự đóng góp cho tương xứng với sức mạnh kinh tế của họ. Đây sẽ là một sự đầu tư đúng đắn nhìn từ khía cạnh kinh tế cũng như nhân đạo. Các nước phát triển hơn sẽ có năng suất lao động cao hơn, mức độ cải cách thúc đấy nhanh hơn, có xu hướng ổn định chính trị hơn và kết quả là, những nước này sẽ cần ít hơn viện trợ nước ngoài dài hạn.

Nguồn lợi hay cái giá phải trả?

Cái giá cho sự tăng cường tài trợ cho QTC có thể coi là mạo hiểm vào thời điểm này đối với nhiều quốc gia. Đức bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng di cư Châu Âu. Trung Quốc đang đối phó với sự biến động của thị trường chứng khoán trong nước. Nhật Bản đang cố gắng giải quyết tác động của sự tăng giá đồng Yên. Bất chấp những vấn đề tạm thời này, các nhà tài trợ có một cơ hội lớn để thúc đẩy tiềm năng kinh tế để nhận ra lợi nhuận đáng kể trong việc chiến đấu với dịch AIDS, lao và sốt rét.

Theo như sáng kiến “Fast-Track” của UNAIDS, nếu như quỹ tài trợ AIDS toàn cầu vẫn dậm chân tại chỗ như một vài năm qua, tỉ lệ nhiễm HIV mới và tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS ở các nước thu nhập trung bình-thấp sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới như cầu dài hạn cho chăm sóc và điều trị AIDS tăng lên và và chi phí điều trị cao hơn.

Thay vào đó, nếu như có sự tăng đột biến nguồn tiếp cận điều trị và tài trợ đến năm 2030, tỉ lệ số ca nhiễm mới và tử vong được kỳ vọng sẽ giảm một cách chóng mặt. Theo mô hình này, UNAIDS dự đoán rằng tỉ lệ nhiễm HIV mới sẽ giảm thấp hơn tỉ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được 24 tỉ USD chi phí phát sinh cho điều trị HIV và dự kiến mang lại lợi nhuận đầu tư cao gấp 15 lần.

Trong khi các khoản tiết kiệm thông qua sự đầu tư này có lợi trực tiếp cho những nước bị tác động nặng nề bởi 3 bệnh dịch này, nhưng sự giảm thiểu gánh nặng bệnh dịch toàn cầu sẽ đem lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Thương mại toàn cầu cũng giống như các bệnh lây truyền sẽ mở rộng vượt qua biên giới của từng nước.

BS. Nguyễn Thu Hằng, Quản lý Chương trình quốc gia AHF Việt Nam chia sẻ: “Về mặt đạo đức và kinh tế, thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn. Nếu chúng ta không hành động và nguồn tài trợ tiếp tục bị chững lại, thế giới sẽ quay trở về những ngày đen tối nhất của dịch bệnh với tỷ lệ gia tăng đột biến số ca nhiễm mới và tử vong. Nếu như nguồn tài trợ không được tăng cường đến năm 2010 thì chi phí dài hạn dành cho điều trị 3 bệnh dịch sẽ còn lớn hơn nhiều sự tăng khiêm tốn nguồn tài trợ cần thiết ngay bây giờ”.