Lao động nước ngoài gây náo loạn tại Dubai Nỗi bất bình âm ỉ lâu nay trong lực lượng lao động nhập cư, chủ yếu là gốc Á, tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã bùng lên dữ dội tối 21.3, khi khoảng 2.500 công nhân làm việc tại công trường xây dựng toà tháp chọc trời Burj Dubai ở Dubai rượt đuổi cảnh sát, đập phá các văn phòng và xe cộ.
Sáng 22.3, số công nhân làm việc cho Hãng Al Naboodah Laing O'Rourke có trụ sở tại Dubai này đình công ngay tại công trường, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Hành động này lập tức được sự ủng hộ của hàng ngàn công nhân đang làm việc tại một công trình xây dựng ở sân bay quốc tế Dubai. "Tất cả mọi người ở đây đều bức xúc và sẽ không có ai làm việc nữa" - ông Khalid Farouk, 39 tuổi, làm việc cho Al Naboodah nói. Những người khác thì nhấn mạnh kiến nghị tăng lương, bởi tuy họ là những người phải đổ mồ hôi nhiều nhất trên các công trình xây dựng khắp Dubai, nhưng chỉ nhận được mức lương trung bình bèo bọt 500 dirham/tháng (136USD). Vụ náo loạn tại Burj Dubai lại một lần nữa cho thấy tình trạng bất bình tiếp tục gia tăng trong số các lao động nước ngoài vốn được coi là đóng vai trò then chốt trong sự bùng nổ xây dựng ngoạn mục ở Dubai nói riêng và ở các nước vùng Vịnh nói chung. Chỉ trong vài tháng qua, đã xảy ra một số cuộc đình công của lao động nước ngoài tại Qatar và Oman. Hồi tháng 4 năm ngoái, các lao động Bangladesh thậm chí còn xông vào Đại sứ quán của nước mình tại Kuwait, để phản đối việc họ không được can thiệp bảo vệ khỏi cảnh làm việc "như nô lệ". Hàng triệu lao động nước ngoài hiện đang chứng tỏ vai trò tại các quốc gia vùng Vịnh, nơi dân số bản địa thường khá khiêm tốn nên nhu cầu thu hút lao động nước ngoài tới làm việc rất cao. Chỉ tính riêng tại Dubai - một trong 7 tiểu vương quốc hợp thành UAE - đã có khoảng 300.000 lao động Nam AÁ làm việc trong lĩnh vực xây dựng, góp phần đáng kể phát triển thị trấn nhỏ với 20.000 dân cách đây 5 thập niên thành khu đô thị nhộn nhịp với số dân lên tới 1,5 triệu người hiện nay. Và cũng chỉ tính riêng trong năm ngoái, đã xảy ra hơn 20 cuộc đình công của lao động nước ngoài tại UAE, đa số tại Dubai. Phải tới khi Bộ Lao động can thiệp, một số công nhân mới được giới chủ trả lại tiền lương cùng các khoản lợi tức khác. Còn vụ náo loạn tại Burj Dubai lần này, tuy có tin công nhân đã trở lại làm việc, trong khi đại diện của họ tiếp tục đàm phán với giới chức của hãng Al Naboodah và Bộ Lao động, nhưng cũng có tin họ bị nhà chức trách đe doạ khởi kiện hoặc trục xuất nếu không trở lại làm việc (?). L.L.Q (Theo AP, CNN) |
▪ Ông Putin thăm chùa Thiếu Lâm (25/03/2006)
▪ FBI lẽ ra đã bắt được 11 thủ phạm vụ 11.9 (25/03/2006)
▪ Belarus: Cảnh sát bắt hàng trăm người biểu tình (25/03/2006)
▪ Châu Âu cũng cần cải cách giáo dục (26/03/2006)
▪ Phát hiện mới về sự sống ngoài trái đất (26/03/2006)
▪ Ông Chirac "dỗi" (25/03/2006)
▪ Hàn Quốc có nữ Thủ tướng đầu tiên (25/03/2006)
▪ Đại sứ Việt Nam tại LHQ Ngô Quang Xuân: Sự ổn định của kinh tế VN tạo thế và lực trong đàm phán (25/03/2006)
▪ Đạo Phật trong nghệ thuật của Shechet (26/03/2006)
▪ Thuế đũa (24/03/2006)