Mafia gốc Việt thống trị 'thủ phủ ma túy' Trung Âu
Zing News - 06/10/2016
Băng đảng người Việt làm chủ 60% thị trường ma túy ở Cộng hòa Czech, thậm chí với ma túy đá, tỷ lệ này lên tới 80%. Hiện tại họ được cho là đã đủ năng lực phân phối toàn châu Âu.

Cổng vào Trung tâm thương mại Sapa tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: prague.tips

 

Quán pizza của bà Nguyễn Kim Thu nằm ở khu Little Hanoi thuộc ngoại ô Prague. Cách xa những con phố lát sỏi đẹp cổ kính ở trung tâm thủ đô Cộng hòa Czech, cửa hàng ban đầu mở ra để phục vụ thực khách bản địa. Họ phải mất 45 phút để đi từ trung tâm đến khu vực có đông kiều bào Việt Nam này.

15 năm trước, bà Thu cùng gia đình đến định cư ở Prague. Bà nói mặc dù cảm thấy lạc lõng nơi xứ người, đó vẫn là quãng thời gian hạnh phúc. Hiện nay, hầu hết khách hàng đến quán bà đều là người Việt. Họ là chủ của những cửa hàng khác ở khu Little Hanoi.

Thế nhưng, cuộc sống của bà Thu gặp nhiều trở ngại trong những năm gần đây bởi chính cộng đồng người Việt Nam. Cộng hòa Czech vốn được biết đến là "thủ phủ ma túy" của Trung Âu và những băng nhóm gốc Việt đang thống trị thị trường này.

Thống trị 'thủ phủ ma túy' Trung Âu

Theo ước tính của Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia Czech (CNDH), các nhóm tội phạm có tổ chức do người Việt cầm đầu chịu trách nhiệm cho ít nhất 60% khối lượng ma túy giao dịch ở Czech. Thậm chí nếu tính riêng ma túy đá, tỷ lệ này có thể lên đến 80%.

Dữ liệu của cục này cũng cho biết năm 2015, khối lượng ma túy đá sản xuất ra tại Czech là 107.363 kg, tăng gần 30 lần so với 3.600 kg năm 2009. Theo Trung tâm Giám sát Ma túy và Nghiện hút của EU (EMCDDA), Cộng hòa Czech hiện cung cấp phần lớn lượng ma túy đá ở châu Âu.

"Ma túy đá đã xuất hiện từ lâu. Việc sản xuất, mua bán loại ma túy này có gốc rễ sâu xa từ trước. Thế nhưng tình hình thời đó hoàn toàn không thể so sánh với bây giờ khi mà các băng nhóm người Việt đang ngày càng lớn mạnh", Tomas Kubik, phó giám đốc bộ phận cảnh sát hình sự và dịch vụ điều của CNDH, nói với Nikkei Asian Review.

Theo ông Kubik, hoạt động của các băng nhóm người Việt là lý do chính biến Cộng hòa Czech thành nguồn cung cấp cần sa chủ yếu cho các nước láng giềng như Đức và Áo. Thậm chí, ma túy đá của Czech với độ tinh khiết cao cũng có mặt ở những đất nước xa xôi như Mỹ và Australia.

"Với mặt hàng cần sa trồng ở Czech, họ là những nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất. Họ thống trị thị trường", ông Kubik nói về giới mafia gốc Việt. Ông cũng cho biết khoảng 2/3 lượng hàng sản xuất ra được đưa đến các nước xung quanh.

Theo một báo cáo mật của Bộ Nội vụ Czech, những nhóm tội phạm gốc Việt cũng được cho là ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động phi pháp khác, bao gồm trốn thuế và giả mạo giấy tờ với giá trị lên đến hàng tỷ đô-la.

"Các nhóm tội phạm người Việt thống trị giới tội phạm châu Á ở Czech. Họ rất vững mạnh và có những trung tâm quyền lực lãnh đạo bởi những ông trùm khét tiếng", hãng thông tấn nhà nước Ceska Tiskova Kancelar trích dẫn báo cáo trên.

Từ giày dép nhái đến cái chết trắng

Người Việt Nam đến Czech khi nước này còn là một nửa của Tiệp Khắc (năm 1993 tách thành Cộng hòa Czech và Slovakia). Sau khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, nhiều người lựa chọn ở lại thay vì trở về Việt Nam, hình thành nên cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất tại Czech. Họ bắt đầu mở các cửa hàng bán buôn lẫn bán lẻ.

Điều phối viên chương trình phòng chống ma túy quốc gia Czech, Jindrich Voboril, cho biết: “Đầu những năm 2000, rất nhiều người Việt kinh doanh trái phép nước hoa và giày dép nhái nhảy sang một địa hạt mới là thị trường chợ đen với các mặt hàng thuốc lá và thuốc điếu cũng như cần sa".

"Tôi nghĩ cũng chính nhóm người đó đã chuyển sang sản xuất các loại ma túy khác, đặc biệt là ma túy đá. Loại ma túy này đang là 'mốt' trên toàn châu Á và bắt đầu lan rộng toàn cầu", ông Voboril nói.

Sự lớn mạnh của các băng nhóm người Việt ở Cộng hòa Czech diễn ra cùng lúc với sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại khu vực. Năm 2010, Trung Quốc cùng 16 nước thuộc khối Liên Xô cũ thiết lập cơ chế 16+1 nhằm tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực Trung, Đông Âu.

Các hoạt động kinh tế sôi nổi khiến nhu cầu về ma túy tại khu vực tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo của EMCDDA năm nay, các nhóm tội phạm có tổ chức người Việt đã đủ năng lực xây dựng mạng lưới phân phối trên toàn châu Âu.

Báo cáo nêu: "Không chỉ thống trị thị trường ở Czech, họ còn can dự vào hoạt động buôn bán và phân phối ma túy đá ở một số nước EU, đồng thời tiến hành các hoạt động phạm pháp khác, bao gồm sản xuất cần sa, tổ chức nhập cư trái phép và buôn người".

Nỗ lực thay đổi định kiến

Gia đình bà Thu sống gần Trung tâm thương mại Sapa, một trong những khu chợ châu Á lớn nhất ở châu Âu với diện tích khoảng 250.000 m2. Trong những năm 1980, rất đông người Việt đến Czech định cư. Hiện tại, đây là cộng đồng Việt kiều lớn thứ ba châu Âu với khoảng gần 57.000 người.

Trong con mắt của cư dân bản xứ, mối liên hệ giữa cộng đồng người Việt và các băng đảng tội phạm không dễ dàng biến mất, mặc dù thực tế rất nhiều người Việt đang kinh doanh hợp pháp.

"Chuyện đó thường xuyên xảy ra, nhất là khi đi siêu thị. Tôi nghĩ họ (người Czech bản địa) cảm thấy khó chịu khi chúng tôi chọn mua thứ gì đó", bà Thu nói. "Họ không nói lời nào với chúng tôi".

Con trai 16 tuổi của bà Thu kể cậu cũng trở thành mục tiêu của sự chú ý tại trường. "Thỉnh thoảng bọn chúng đùa và nói mấy câu kiểu như 'ê mày, có cỏ cho tao hút không''', cậu nói.

Nhằm thay đổi định kiến của dân bản xứ về cộng đồng người Việt tại Czech, các tổ chức kiều bào ở đây đã hợp tác với chính phủ triển khai chiến dịch "Stop Drugs" (Ngăn chặn ma túy). Mục tiêu của chiến dịch là giúp cộng đồng người Việt chủ động hơn trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy bằng cách tạo ra các địa chỉ để họ trình báo các hoạt động phi pháp.

Tuy vậy, theo ông Marcel Winters, chủ tịch Hội liên hiệp Czech - Việt Nam, hình ảnh người Việt đối với người bản xứ vẫn chưa được cải thiện rõ. Trong khi đó, báo chí liên tục khai thác về chủ đề này khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.

"Vấn nạn ma túy chỉ liên quan đến vài chục tội phạm người Việt" , Winters nói. "Còn lại, Việt kiều ở đây sống, làm việc, học tập tuân thủ pháp luật. Họ hoàn toàn không dính dáng đến hoạt động sản xuất hay buôn bán ma túy, thực tế còn lên án việc đó".