Mỹ phục hồi quan hệ ngoại giao với Libya - cái kết có hậu
Các Website khác - 17/05/2006
Mỹ phục hồi quan hệ ngoại giao với Libya - cái kết có hậu

Việc Mỹ bình thường hoá quan hệ với Libya được ví như cuộc hôn nhân tự nguyện và tất yếu, giữa một chính quyền Mỹ đang mất dần bạn bè và nguồn lợi dầu mỏ ở Trung Đông với một Chính phủ Libya đang khát khao mở cửa nền kinh tế ra thế giới.

Quyết định từ bỏ chương trình
vũ khí hạt nhân của lãnh đạo
Libya M.Gaddafi đã khiến Mỹ
nối lại quan hệ với Libya.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm 15.5 tuyên bố bỏ Libya khỏi danh sách các nước hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và chuẩn bị nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với chính quyền Tripoli sau hơn 25 năm cấm vận. Mặc dù đây không phải là quyết định bất ngờ, nhưng nó đánh dấu sự thay đổi ngoại giao đáng kể của Washington đối với Libya. Giải thích cho quyết định này, bà Rice nói: "Đây là kết quả hiển nhiên sau những động thái mà ban lãnh đạo Libya đưa ra trong việc từ bỏ khủng bố và vũ khí huỷ diệt hàng loạt". Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi "sự hợp tác tuyệt vời" của Libya trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, đã giúp Mỹ rất nhiều trong việc truy lùng các phần tử Al-Qaeda và các nghi phạm khủng bố khác ở Trung Đông cũng như Bắc Mỹ.

Việc Mỹ bình thường hoá quan hệ với Libya được đưa ra đúng thời điểm các hoạt động ngoại giao con thoi đang diễn ra xung quanh tham vọng hạt nhân của Iran. Nhà Trắng muốn gửi thông điệp rằng các nước từ bỏ vũ khí huỷ diệt hàng loạt như Libya sẽ được "đền đáp". Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Welch bóng gió: "Các nước khác có thể nhìn vào Libya và xem đây có thể là mô hình cho họ hay không". Còn Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice thì đề cập cụ thể hơn: "Nếu như năm 2003 là thời điểm đổi thay của người dân Libya thì năm 2006 rất có thể là thời điểm tương tự cho người dân CHDCND Triều Tiên và Iran".

Quyết định của Mỹ chứng tỏ ưu tiên "thúc đẩy dân chủ", cái mà Mỹ đang thực hiện tại Iraq, hiện không còn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bush nữa trong điều kiện hiện nay. Thay vào đó, Mỹ chuyển hướng sang xây dựng quan hệ và tìm kiếm đồng minh để chống lại một Iran cứng rắn không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân.

"Mỹ muốn có một bước đột phá tích cực ở Trung Đông" - Mohamed Sayed Said - nhà phân tích tại Trung tâm Chính trị và Nghiên cứu chiến lược Al-Ahram (Ai Cập) nhận xét. "Chơi với Libya, Washington có được một chế độ đã chuyển mình từ cực đoan sang ôn hoà" - ông nói. Ngoại trưởng Abdel-Rahman Shalqam bình luận: "Quyết định của Mỹ sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hai nước". Các quan chức Libya cho rằng quan hệ này mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Năm 2004, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế chống Libya và từ đó đến nay ít nhất 6 công ty dầu lửa của Mỹ đã nối lại các hoạt động khai thác dầu lửa bị gián đoạn từ năm 1986. Libya sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng lệnh cấm vận của Mỹ đã làm cho sản lượng khai thác của nước này thấp do không có thiết bị và công nghệ mới. Trí Minh (Theo BBC, Washington Post)