Nga - Ukraine “húc nhau” châu Âu “chết... cóng”
Các Website khác - 09/01/2009

Băng tuyết mùa đông đang bao phủ châu Âu, nhưng khu vực này lại đang rất “nóng” trước sự cố ngưng cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu qua lãnh thổ Ukraine. “Nóng” đến mức, EU phải “căng thẳng thần kinh”, theo tường thuật của giới phóng viên quốc tế


Đồng hồ đo áp lực khí ở một trạm trung chuyển gần thủ đô Kiev, Ukraine chỉ về số 0, sau khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đã bị cắt đứt hoàn toàn từ ngày 7.1. Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) hôm 8.1 yêu cầu Nga và Ukraine phải giải quyết ngay lập tức cuộc tranh chấp về giá khí đốt và thanh toán nợ dẫn đến việc ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nếu không, hai nước này sẽ phải đối mặt với những hậu quả lâu dài. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu qua lãnh thổ Ukraine đã bị cắt đứt hoàn toàn từ ngày 7.1.

Phía Nga tố cáo Ukraine đóng các hệ thống trung chuyển khí đốt sang châu Âu, trong khi Ukraine bác bỏ lời cáo buộc đó và cho rằng chính Moscow ngưng bơm khí đốt vào hệ thống. Chủ tịch uỷ ban châu Âu (EC), ông Jose Manuel Barroso nói rằng ông được Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết Nga vẫn cung cấp khí đốt nhưng Ukraine không chịu chuyển giao. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Timoshenko nói với ông Barroso rằng họ không hề gây trở ngại trong việc Nga cung cấp khí đốt cho EU.

Châu Âu vừa hăm doạ…

Ông Barroso đe doạ: “Nếu Ukraine muốn trở thành một thành viên của EU thì họ không nên gây ra bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt cho châu Âu”. Ông Barroso cũng nhấn mạnh với Nga rằng: “EU đang là khách hàng quan trọng nhất của Gazprom, nhà cung cấp khí đốt khổng lồ của Nga”.

Ông Mirek Topolanek, Tổng thống Cộng hòa Czech, nước đang là chủ tịch luân phiên của EU, có vẻ cứng rắn hơn. Ông tuyên bố cho hai bên 24 giờ để khôi phục việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ông nói: “Nếu nguồn cung cấp không trở lại bình thường, mọi người sẽ thấy sự can thiệp mạnh của EU”.

Tại Đức, nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của hãng Gazprom, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang xem xét việc gây áp lực ngoại giao đối với cả Moscow lẫn Kiev.

... vừa chạy “vắt giò lên cổ”

Sự cố ngưng cung cấp khí đốt đã khiến hàng loạt các nước châu Âu khốn đốn vì không có nhiên liệu để sưởi ấm trong mùa Đông. Ông Barroso nói: “Nếu sự trung chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu không được tái lập, chúng tôi sẽ lâm vào hoàn cảnh thực sự khó khăn”. Trước mắt, EU chưa có sự thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga, nơi cung cấp khoảng 1/4 tổng nhu cầu khí đốt của EU qua sự trung chuyển của Ukraine. Một số nước phải dùng nguồn khí đốt dự trữ hoặc thực hiện những kế hoạch khẩn cấp để bù vào sự thiếu hụt. Đức, Ý, Áo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan bị ảnh hưởng nặng nhất vì các nước này đang trải qua một trong những mùa đông lạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Hungary đã trở thành một trong những nước châu Âu đầu tiên áp đặt việc hạn chế sử dụng khí đốt công nghiệp hôm 7.1, và điều đó buộc hãng xe Suzuki và nhiều tập đoàn công nghiệp khác phải cắt giảm phân nửa sản lượng.

Áo, nơi 51% nhu cầu khí đốt do Nga cung cấp, sử dụng dầu thay khí đốt để cung cấp nhiên liệu cho bốn nhà máy điện.

Serbia thừa nhận nguồn dự trữ của họ gần như cạn kiệt. Trong khi đó, Bulgaria, vốn lệ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, đang xem xét việc mở lại một trong những lò phản ứng hạt nhân có từ thời

Xô Viết để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Slovakia cũng đưa ra khả năng tái khởi động lò phản ứng hạt nhân ở Bohunica, còn Ba Lan đang bù vào lượng khí đốt thiếu hụt bằng cách tăng nguồn cung cấp thông qua nước láng giềng Belarus.

Ý, nơi 1/3 nhu cầu khí đốt được cung ứng từ Nga, xác nhận không nhận được nguồn cung cấp hằng ngày như thường lệ nữa.

Chỉ có Tây Ban Nha, Anh và các nước Bắc Âu không bị ảnh hưởng lớn, vì các nước này hoặc không nhập khẩu khí đốt của Nga hoặc không tiếp nhận nguồn khí đốt đó qua sự trung chuyển của Ukraine.

Dù lượng khí đốt được khôi phục lại ngay, các chuyên gia cho rằng phải mất ít nhất 36 tiếng đồng hồ nguồn khí đốt mới có thể đến châu Âu, vì nó phải di chuyển qua một mạng lưới trung chuyển dài đến 22.000km của Ukraine. Do đó, dù có kết quả đàm phán giữa hai bên như thế nào, châu Âu sẽ tiếp tục “nóng” giữa băng giá trong những ngày tới.

Theo SGTT